Hội thảo khoa học Quốc gia “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Sáng ngày 28/6/2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có TS. Phùng Quốc Hiển – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, chuyên gia cao cấp HĐLLTƯ; GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực HĐLLTƯ; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Phó Chủ tịch HĐLLTƯ; PGS.TS Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch HĐLLTƯ; TS. Bùi Trường Giang – Phó Chủ tịch chuyên trách, kiêm Tổng Thư ký; TS. Cao Đức Phát – Thành viên HĐLLTƯ, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; TS. Bùi Văn Thạch – Phó Chánh VP Trung ương, cùng các thành viên Hội đồng lý luận Trung ương. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các thành viên Hội đồng Khoa học & Đào tạo; và đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài trường.

Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình kép: vừa trang bị và trang bị lại công nghệ theo hướng hiện đại cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân (quá trình công nghệ – kỹ thuật); vừa là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản về thể chế quản lý kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống của dân cư theo hướng văn minh hiện đại (quá trình kinh tế – xã hội). Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong những năm tới đây để xây dựng nền kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực HĐLLTƯ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm so yêu cầu, tồn tại không ít những hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, Hội thảo cần tập trung thảo luận về một số nội dung cơ bản sau: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong những năm qua; mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở cả cấp độ nền kinh tế, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp ngành; những thành tựu, tồn tại, nguyên nhân về lý luận và thực tiễn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; phát hiện những điểm nghẽn cần xử lý cả về lý luận và thực tiễn; cả về thể chế, cơ chế, chính sách cũng như các vấn đề liên quan của Việt Nam để từ đó định hướng tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vinh dự phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Hội thảo quan trọng góp phần tổng kết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua 35 năm đổi mới, phục vụ nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. GS Hiệu trưởng hi vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học đề xuất, kiến nghị và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Phó Chủ tịch HĐLLTƯ báo cáo đề dẫn Hội thảo

TS. Cao Đức Phát – Thành viên HĐLLTƯ, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trình bày tham luận “Một số vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới”

GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên HĐ LLTW trình bày tham luận “Một số suy nghĩ ban đầu về mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đất nước trên nền tảng KHCN&ĐMST với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”

PGS.TS Đỗ Thị Đông – Trường ĐH KTQD trình bày tham luận “Kinh nghiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KHCN&ĐMST của Nhật Bản – Bài học cho Việt Nam”

TS. Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở KHCN Bình Dương, thành viên HĐLLTƯ trình bày tham luận “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa: nghiên cứu một số điểm đặc sắc tại tỉnh Bình Dương”

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những định hướng và những nguồn lực tác động đến công cuộc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của nước ta.

Hội thảo cũng tập trung phân tích bối cảnh cũng như những nhân tố tác động đến chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, giải pháp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045./.

Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

ThS. Bùi Đức Dũng – Trưởng phòng Tổng hợp dẫn chương trình tại Hội thảo

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo: 

Báo Nhân dân: Nhiều kiến nghị, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *