Sự chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình ngân hàng số đã tạo cho BIDV động lực để đứng vững và phát triển trong môi trường kinh tế đầy cam go bởi tác động của đại dịch Covid-19, những cạnh tranh khốc liệt và diễn biến khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ…Việt Nam đang chứng kiến tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) – làn sóng làm thay đổi toàn diện cách thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các ngành nghề nói chung, lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng. Nhận thức được tầm ảnh hưởng lớn của cuộc Cách mạng này đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có những bước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số, từ hoạt động quản trị điều hành đến phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại. Ngay từ tháng 7/2017, Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Nghị quyết về định hướng phát triển ngân hàng số, xác định: Phát triển ngân hàng số là một cấu phần nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh tổng thể của BIDV giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn 2030. Trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV đã xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong ba trụ cột của chiến lược phát triển. Để hiện thực hóa trụ cột chiến lược này, ngày 31/5/2021, BIDV phê duyệt Nghị quyết số 468/NQ-BIDV về chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 với 4 trụ cột chính: (1) Số hóa toàn diện 360 độ; (2) Xây dựng hệ sinh thái số đa dạng; (3) Xây dựng văn hóa chuyển đổi số; (4) Làm chủ tương lai số hóa; cùng với phương châm hành động “Kỷ cương – Chất lượng – Chuyển đổi số” BIDV đã tạo ra phương hướng phù hợp với nội lực và xu thế của thời đại, giúp cho BIDV vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững.
Lựa chọn hướng đi đúng cho con thuyền BIDV đi đến thành công thể hiện được sự tâm huyết, tài năng và có tầm nhìn chiến lược của Ban Lãnh đạo BIDV. Song đó là con đường đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực cao không chỉ của Ban Lãnh đạo mà còn cần sự đồng lòng, sáng tạo của cả một tập thể lớn, biến tầm nhìn thành hành động cụ thể. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú: “Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có các ngân hàng. Chuyển đổi số đòi hỏi ý chí, quyết tâm bền bỉ, mãnh liệt và sự dũng cảm của tất cả mọi người để bỏ đi những cái cũ và tạo lập cái mới của chính mình. BIDV xác định mục tiêu hiệu quả là đầu tiên, lấy công nghệ hiện đại làm khâu đột phá, khách hàng là trung tâm và nguồn nhân lực là cốt lõi”.
Để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, tạo nền tảng chuyển đổi mô hình ngân hàng số, tháng 3/2019, BIDV đã chính thức ra mắt Trung tâm Ngân hàng số. Trung tâm Ngân hàng số ra đời với mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo của BIDV, là nơi thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ với điều kiện tối ưu và sản sinh các sản phẩm tiên tiến, hiện đại hướng tới khách hàng. Đây cũng chính là vườn ươm các sáng kiến từ nội bộ ngân hàng và các công ty khởi nghiệp. Bên cạnh đó, BIDV cũng đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh chuyển đổi số trên các lĩnh vực: (i) Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, Youtube…; xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch; (ii) Chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng; (iii) Phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như: Samsung Pay, QR Pay, Chatbot trên ứng dụng Mobile Banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại; phát triển ứng dụng BIDV Home, ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo; (iv) Triển khai và xây dựng các mô hình khai thác dữ liệu lớn, dữ liệu phi cấu trúc, ứng dụng các mô hình phân tích để đánh giá giá trị vòng đời khách hàng, marketing, bán chéo sản phẩm đúng đối tượng khách hàng…; (v) Phát động chương trình chuyển đổi số cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Digitrans) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; (vi) Tập trung triển khai Dự án Chuyển đổi hệ thống Core Banking, Dự án Trang bị giải pháp quản lý khoản vay (CROMS)… Đây là những bước đi mạnh mẽ của BIDV, phát huy sức mạnh tập thể trong nỗ lực chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Trên thực tế, việc phát động này đã ghi nhận được hơn 260 sáng kiến lớn tại các đơn vị trong ứng dụng các phần mềm quản lý.
Điểm đáng lưu ý trong chương trình hành động triển khai chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, BIDV đã rất chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ toàn hệ thống. Các khóa đào tạo này tập trung nâng cao kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc của các cán bộ về chiến lược chuyển đổi số, những công nghệ mới của CMCN 4.0 trên thế giới, như: Internet of Things (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, điện toán đám mây, RPA, OPEN API, Omni channel,… qua đó, hỗ trợ cán bộ BIDV vận dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0 vào sáng kiến, giải pháp chuyển đổi số, hướng tới “Làm chủ tương lai số”.
Kết quả hoạt động kinh doanh tốt, tạo thực lực để BIDV phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng và cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19Có thể thấy, bước đầu hoạt động chuyển đổi số của BIDV đã tạo được một số điểm nhấn nổi bật: Là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ tài khoản định danh và chi hộ online 24/7, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ và Fintech quản lý dòng tiền hiệu quả; ứng dụng học máy (ML) và AI trong việc xây dựng mô hình dự đoán khách hàng từ bỏ dịch vụ; là một trong bốn ngân hàng đầu tiên triển khai thành công dự án Thanh toán bù trừ liên ngân hàng; triển khai thành công Cổng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; ra mắt nền tảng BIDV Home – mở ra hệ sinh thái kết nối khách hàng BIDV với thị trường địa ốc; kết nối thành công kiến trúc API với MISA giúp khách hàng doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính; triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến BIDV Smart Banking, nghiên cứu áp dụng công nghệ OCR, nhận dạng khuôn mặt, livecheck; lần đầu tiên trên thị trường tích hợp tính năng mua sắm tại Vinmart trên ứng dụng Smart Banking; ra mắt dịch vụ Smart Banking thế hệ mới – một dấu mốc quan trọng thể hiện rõ mục tiêu của BIDV là mang lại những trải nghiệm dịch vụ số tốt nhất, những tiện ích tốt nhất, những giá trị gia tăng lớn nhất cho khách hàng; ứng dụng hàng loạt công nghệ mới như ví điện tử, eKYC, dịch vụ số đa nền tảng…
Với những chỉ đạo và hành động quyết liệt, việc triển khai ngân hàng số tại BIDV đã đạt được những kết quả tích cực: Đến hết quý II/2021, số lượng khách hàng cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại BIDV đạt 5,86 triệu khách hàng, chiếm gần 50% tổng khách hàng cá nhân hiện hữu của BIDV, trong khi con số này chỉ đạt 32,4% trong năm 2018 và 42,4% trong quý II/2020; số lượng giao dịch qua kênh số đến ngày 30/6/2021 chiếm 61,1% trên tổng giao dịch toàn ngân hàng, tăng 22% so với mức 50% cùng kỳ năm 2020; doanh số giao dịch trên kênh số của khách hàng cá nhân đạt 1.100.158 tỷ đồng, bằng 60% cả năm 2020, trong đó, doanh số tự chuyển tiền 24/7 chiếm 48,8%, tăng 22% so với quý II/2020. Với những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số, trong năm 2020, BIDV đã được trao giải “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”; nhiều năm liền nhận giải thưởng “Ngân hàng điện tử tiêu biểu”. Mới đây, BIDV đã được trao 6 danh hiệu Sao Khuê cho 6 sản phẩm công nghệ xuất sắc, đưa lượng danh hiệu Sao Khuê mà BIDV nhận được từ năm 2011 đến nay lên con số 18… Các giải thưởng này đã khẳng định thương hiệu của BIDV – một ngân hàng thương mại có chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) hàng đầu tại Việt Nam… Trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã nhận được sự đánh giá tích cực của các tổ chức uy tín quốc tế và trong nước thông qua nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Top 2.000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới (Tạp chí Forbes), Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance), Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banker), Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banking & Finance), Ngân hàng Bán buôn số 1 của năm (Tạp chí Global Banking & Finance Review), Ngân hàng giao dịch tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Alpha Southeast Asia), Ngân hàng Quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam (Tạp chí The Asian Banker), 6 sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin được trao danh hiệu Sao Khuê 2021…
Sự chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình ngân hàng số đã tạo cho BIDV động lực để đứng vững và phát triển trong môi trường kinh tế đầy cam go bởi tác động của đại dịch Covid-19, những cạnh tranh khốc liệt và diễn biến khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/6/2021, BIDV đạt được kết quả kinh doanh tích cực, thể hiện trên nhiều bình diện: Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1,642 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với đầu năm. Trong hoạt động huy động vốn, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,391 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm; mức tăng trưởng phù hợp với quy mô sử dụng vốn, đảm bảo hiệu quả cân đối vốn toàn hệ thống. Huy động vốn tăng trưởng tốt ở hầu hết các phân khúc khách hàng. Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,297 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm, tốc độ tăng gần bằng thực hiện cùng kỳ các năm trước dịch bệnh (năm 2019 trở về trước) và tích cực hơn mức thực hiện cùng kỳ năm 2020; trong đó, tăng trưởng tốt ở phân khúc khách hàng FDI (16,5%), khách hàng bán lẻ (11,6%) và SMEs (7,9%). Chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm: Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 là 1,39% (giảm 0,15% so với đầu năm); tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,38% (giảm 0,06% so với đầu năm). BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định; hoạt động thu phí, lãi ghi nhận kết quả tích cực: Thu dịch vụ ròng (không gồm thu phí từ hoạt động bảo lãnh) đạt 3.199 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động ngân hàng số đạt mức tăng trưởng ấn tượng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả hoạt động kinh doanh tốt, tạo thực lực để BIDV phát huy vai trò, trách nhiệm của định chế tài chính hàng đầu đất nước, trong việc triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng và cộng đồng trong việc ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng quy mô lên đến 6.100 tỷ đồng, gói hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam với quy mô 1.000 tỷ đồng, gói Đồng hành cùng ngành Y tế, chung tay vượt đại dịch với quy mô 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ thông qua hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai nhiều hành động kịp thời, thiết thực ủng hộ trực tiếp cho hoạt động phòng chống dịch. Cụ thể như chương trình “Ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19”, chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương chống dịch… Tổng số kinh phí BIDV ủng hộ trực tiếp để phòng, chống dịch từ đầu năm 2021 đến 14/9/2021 đạt trên 230 tỷ đồng. Để hỗ trợ người lao động kịp thời nhận bảo hiểm thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BIDV khuyến khích người lao động đăng ký mở tài khoản online với công nghệ định danh điện tử – eKYC. Từ ngày 01/10/2021, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2020 tới hết ngày 30/9/2021 sẽ được chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Trong 3 tháng cuối năm 2021 và năm 2022, BIDV vẫn tiếp tục triển khai mạnh mẽ các gói hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ trong năm 2021 và năm 2022 lên tới 9.500 tỷ đồng.
Trong những năm tiếp theo, BIDV quyết tâm hoàn thành việc chuyển đổi Core Banking và các hệ thống ứng dụng quan trọng; tăng cường ứng dụng rộng rãi các công nghệ chủ chốt, đặc trưng của CMCN 4.0; tăng cường năng lực, chuẩn hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với các hệ thống công nghệ; chuẩn hóa, tự động hóa các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ; thực hiện việc chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, trong đó: Phấn đấu đến năm 2025 triển khai thành công mô hình ngân hàng số; phát triển và tích hợp các kênh phân phối, tạo điều kiện dễ dàng nhất để khách hàng tiếp cận, kết nối với ngân hàng; triển khai tự động hóa quy trình; đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ có tính sáng tạo, cạnh tranh trên thị trường trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; tăng cường thu thập, phân tích dữ liệu để hỗ trợ quá trình ra quyết định; xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính với các nền tảng số ưu việt nhất…
Có thể nói, với quyết tâm chính trị cao của Ban Lãnh đạo BIDV, tiềm lực về cơ sở vật chất, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết nhất trí của hơn 2,5 vạn cán bộ BIDV; phát huy những thành quả đạt được, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả… BIDV chắc chắn sẽ có thêm những thành công trên con đường chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tầm nhìn trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực. Tài liệu tham khảo:
– Bản tin Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam số 289 tháng 8/2021.
– BIDV và “cuộc cách mạng” chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng – Báo điện tử Tạp chí Cộng sản, ngày 13/8/2020.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Hà Nội
(http://tapchinganhang.gov.vn/bidv-huong-di-dung-tao-su-chuyen-bien-manh-me.htm)