Ngày 17/10/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp cùng Đại học Quốc gia Úc (ANU) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ bảy với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” (Contemporary Issues in Economics, Management and Business – 7th CIEMB 2024). Đây là Hội thảo quốc tế thường niên lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Quang cảnh tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía các diễn giả chính (keynote speakers) có: GS. Paul Burke – Đại học Quốc gia Úc, Úc; GS. Peter J. Morgan – Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), Nhật Bản; TS. Dorsati Madani – Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam; PGS.TS Anna Kwek – Đại học Griffiths, Úc; GS. Tom Baum – Đại học Strathclyde, Anh.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; cùng gần 100 tác giả bài viết đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên.
Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Hội thảo cũng gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, với truyền thống định hướng nghiên cứu mạnh mẽ và các chương trình giáo dục toàn diện, Trường Đại học Kinh tế Quốc tế ưu tiên hợp tác học thuật, xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trong nước, quốc tế, cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Hàng năm, nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề đa dạng của Trường luôn thu hút sự quan tâm, tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.
“Hội thảo Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh – CIEMB là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quy tụ các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý để trình bày và trao đổi nghiên cứu, với mục tiêu phát triển các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững toàn cầu.” – Giáo sư Hiệu trưởng nhấn mạnh.
GS. Phạm Hồng Chương cũng chia sẻ, Hội thảo đã nhận được 170 bài báo từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên của Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác như: Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Indonesia, Malaysia, Mauritius, Nigeria, Philippines, Slovakia, Nam Phi, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ. Kếtquả phản biện chặt chẽ đã chọn được hơn 90 bài báo có chất lượng để trình bày trong 21 phiên thảo luận song song (parallel section) về nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, tiếp thị, du lịch, kinh tế vi mô và các lĩnh vực khác, với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của NEU và các diễn giả khách mời từ nước ngoài.
GS. Paul Burke – Đại học Quốc gia Úc trình bày tham luận “Cơ hội năng lượng không carbon ở châu Á – Thái Bình Dương”
TS. Dorsati Madani – Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận “Kinh tế Việt Nam và triển vọng”
Chia sẻ tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Dorsati Madani cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2025 và 2026 vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự báo cả hai năm đều là 6,5% so với mức dự kiến của năm 2024 là 6,1%. Trong khi đó, chỉ số tăng CPI của hai năm 2025 và 2026 dự báo thấp hơn của năm 2024 (lần lượt là 4,0 và 3,5% so với 4,5% của 2024).
“Viễn cảnh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến từ việc nhu cầu mở rộng tại các thị trường cùng với nhu cầu nội địa tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có xu hướng thấp trong cả hai năm 2025 và 2026.” – TS. Dorsati Madani nói.
Về khuyến nghị chính sách, liên quan đến chính sách tài khoá, chuyên gia World Bank khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trên các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, giáo dục. Việt Nam cũng cần tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, ngay cả ở các lĩnh vực có nhiều nỗ lực như viễn thông, điện và giao thông.
GS. Peter J. Morgan – Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI) trình bày tham luận “Kiến thức tài chính và sử dụng công nghệ tài chính trong các doanh nghiệp gia đình: Bằng chứng từ các nước đang phát triển ở châu Á”
Đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, GS. Peter J. Morgan – Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI) cho rằng, về mặt tích cực, Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt, tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Do đó, trước mắt, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng để phát triển nền kinh tế; đồng thời, đầu tư mạnh tay hơn để tham gia vào cuộc đua cùng các quốc gia khác, khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết.
Giáo sư Peter J. Morgan lấy ví dụ về lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam chưa theo kịp được với tốc độ đó. Để giải quyết vấn đề này, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt với những cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh rất quan trọng như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá.
Nhìn nhận về xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, GS. Peter J. Morgan chia sẻ, nhìn chung, nền kinh tế thế giới không quá tệ, kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh. Nền kinh tế châu Âu thì đang phát triển chậm hơn đôi chút. Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc lại gặp vấn đề về đất đai và bất động sản cho nên nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đang tương đối thấp. Hiện đã có một số thảo luận về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, do đó, đây là môi trường có phần thách thức, nhưng không quá đáng lo. Mặt khác, không thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu hay điều gì tương tự. Vì vậy, nếu Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lí thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn. Điều Việt Nam cần làm khá tương tự với Nhật Bản, đó là cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hoá, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, từ đó sẽ cải thiện mức thu nhập trung bình.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng và PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường trao chứng nhận và tặng hoa cảm ơn các diễn giả chính
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng và GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học trao chứng nhận cho các tác giả có bài viết xuất sắc nhất
Hội thảo quốc tế CIEMB lần thứ 7 đã kết thúc tốt đẹp, tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nơi các nhà khoa học, các học giả, các nhà nghiên cứu trên toàn cầu có thể chia sẻ và hợp tác nghiên cứu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.
21 phiên thảo luận song song được tiến hành về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng phát biểu bế mạc Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi đón tiếp các diễn giả, khách mời trước thềm Hội thảo
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo:
Truyền hình Nhân dân: Việt Nam đứng trước nhiều thách thức và cơ hội phát triển kinh tế
Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam: Kinh tế Việt Nam: Thách thức từ thay đổi mô hình phát triển
Truyền hình VTC: Chuyên gia quốc tế và cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam
CafeF: Chuyên gia quốc tế và cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam
Thời báo Tài chính: Cơ hội cho Việt Nam dưới góc nhìn học giả toàn cầu
Vneconomy: Đi tìm động lực tăng trưởng dài hạn để Việt Nam phát triển bền vững và bứt tốc
Nhân dân: Hỗ trợ các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu
Lao động: Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực
Thời báo Ngân hàng: CIEMB 2024: Hỗ trợ các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu
Báo điện tử ĐCS Việt Nam: Các thách thức đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh
Đại biểu Nhân dân: Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh
Báo Chính phủ: Việt Nam cần đầu tư giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số
TTXVN: Cải thiện chất lượng nhân lực và phổ biến kinh tế số là chìa khoá để Việt Nam phát triển
Báo Đầu tư: Việt Nam có nên áp thuế carbon?
Diễn đàn doanh nghiệp: Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn tác động lớn đến Việt Nam
Nhà báo & Công luận: Rất nhiều nguồn tài chính tư nhân sẵn sàng ‘đổ vào’ nếu chính sách được thiết kế tốt
Hải quan: Việt Nam nên “mạnh tay” hơn trong cải cách cơ cấu kinh tế
Vnbusiness: Rau xanh, thực phẩm tăng giá có ‘kéo’ theo lạm phát?
Tài chính Doanh nghiệp: Đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại phát triển
Công thương: Việt Nam vẫn đứng trước triển vọng kinh tế tích cực
Thị trường tài chính tiền tệ: Bao trùm tài chính, hiểu biết tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Tạp chí Nhà đầu tư: WB: Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2025-2026
Tạp chí Nhịp sống thị trường: Chuyên gia quốc tế và cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam
Đầu tư chứng khoán: Việt Nam có nên áp thuế carbon?