Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm 4,4%, thì mức tăng trưởng kinh tế (tốc độ tăng GDP) năm 2020 của Việt Nam đạt 2,91% được xem là điểm sáng đáng ghi nhận.Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm, nhưng so với bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam được xem là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, là một trong 4 nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới1. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam chứng tỏ những tiến bộ đến từ nội lực trong nước.
1. Một số điểm nổi bật trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020
Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế dương
Tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam là điểm sáng rõ nét nhất trong năm 2020. Việt Nam cũng được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực với mức tăng trưởng đạt 2,91%2, là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người (bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc). Quy mô GDP Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD năm 2020, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD; đứng sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD). Mức GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.500 USD xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD). Mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự báo đạt 5.211,90 USD (vào năm 20253). Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia.
Theo Báo cáo phát triển bền vững năm 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu hành động của Liên hợp quốc4, trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều chưa đạt.
Hai là, thặng dư thương mại hàng hóa cao
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có được nhờ thúc đẩy thặng dư thương mại đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm. Lạm phát được giữ ổn định dưới 4% (Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% – đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là giữ CPI bình quân tăng dưới 4%). Chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều tăng gấp đôi.
Thặng dư thương mại hàng hóa đạt cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu chính là động lực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%. Hy vọng về lâu dài, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này sẽ vẫn giữ được đà tăng và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa sẽ ngang bằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước Đông Nam Á khác, do đó, ít chịu sức ép hơn khi du lịch quốc tế bị đình trệ.
Ba là, sự hồi phục của ngành chế biến, chế tạo
Các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và thương mại dịch vụ tiếp tục khởi sắc, lần lượt tăng 8,3% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều quan trọng là các chỉ số này đã liên tục trong xu thế tăng từ mức sụt giảm mạnh thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội do tác động của đại dịch Covid-19, làm tăng niềm tin rằng: nền kinh tế đã đi qua thời kỳ khó khăn nhất.
Lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục được đầu tư thường xuyên tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của khu vực chế biến, chế tạo đã giúp nền kinh tế trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa, chẳng hạn các hàng hóa điện tử trung gian. Quá trình cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 1/3 nền kinh tế, sẽ giúp cải thiện năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và tăng trưởng kinh tế. Các chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019. Có thể nói, năm 2020 được coi là năm thành công trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách và nợ công khá cao, có thể làm cho nền kinh tế dễ bị tác động hơn bởi những bất ổn kinh tế toàn cầu – điều này sẽ ảnh hưởng tới khu vực chế biến, chế tạo.
Bốn là, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao
Việt Nam có lợi thế hai năm liên tiếp nhận dòng vốn FDI tăng mạnh. Tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 35 tỷ USD trong năm 2018 và tăng lên 38 tỷ USD trong năm 2019, cao nhất trong giai đoạn 10 năm (2009 – 2019). Các điều kiện kinh tế – chính trị ổn định giúp Việt Nam tiếp tục thu hút FDI. Tổng số vốn FDI cam kết chỉ giảm khoảng 19% trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự báo giảm từ 30 – 40% theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) vẫn ở mức cao, đạt 28,53 tỷ USD năm 2020. Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho dòng vốn FDI.
Năm là, đầu tư tư nhân tăng trưởng cao
Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đóng góp gần 40% GDP, là mức đóng góp cao nhất trong các thành phần kinh tế đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nếu đầu tư tư nhân (không tính hộ kinh doanh cá thể) tăng 1% giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm khoảng trên 0,15%, là động lực tăng trưởng quan trọng góp phần khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Việt Nam chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tháng 11/2020 sẽ là đòn bẩy giúp tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước tham gia Hiệp định.
Nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không những duy trì tăng trưởng GDP dương, mà còn tăng trưởng cao hơn bất kỳ quốc gia Ðông Nam Á khác. Bên cạnh việc kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công, xuất khẩu phục hồi nhanh giúp Việt Nam (cùng với Trung Quốc) trở thành những điển hình cho thương mại toàn cầu. |
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tạp chí Ngân hàng số 3+4/2021(http://tapchinganhang.gov.vn/nhung-nhan-to-dong-gop-vao-diem-sang-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2020.htm)