Gặp mặt các thế hệ CBGV, sinh viên tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sáng ngày 20/12/2022, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra buổi Gặp mặt các thế hệ CBGV, sinh viên tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tham dự chương trình, về phía đại biểu ngoài trường có GS. Phạm Công Nhất – đại diện Hội Cựu chiến binh khối 487 các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; ông Đặng Quốc Chính – CSV khóa 1971, Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện Trần Phú, thành viên HĐT. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Hữu Đồng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn trường; GS.TS Nguyễn Quang Dong – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Về phía nguyên lãnh đạo Nhà trường có GS.TSKH Lương Xuân Quỳ – nguyên Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Hiệu trưởng; PGS.TS Ngô Đức Cát – nguyên Bí thư Đảng ủy; thầy Đinh Thiện Đạo – nguyên Bí thư Đảng ủy; GS.TS Nguyễn Thành Độ – nguyên Bí thư Đảng ủy; GS.TS Hoàng Ngọc Việt – nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; GS. Nguyễn Quang Thái – nguyên Chủ tịch Hội CCB đầu tiên của Trường; GS.TS Trần Thọ Đạt – nguyên Bí thư Đảng ủy; nguyên Chủ tịch HĐT, nguyên Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – nguyên Chủ tịch HĐT; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm và toàn thể Hội viên Hội CCB.

PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu

Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã cùng các đại biểu, các Cựu chiến binh ôn lại lịch sử hào hùng trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1985, khi hàng vạn giảng viên, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội xung phong ra trận. PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh, những giảng viên, sinh viên khi ấy còn rất trẻ, tràn đầy ước mơ, hoài bão, nhưng với họ gác bút nghiên lên đường ra trận luôn là niềm tự hào, đồng thời khẳng định những người lính năm ấy đã góp phần nâng chất lượng bộ đội cụ Hồ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của quân dân ta trong các giai đoạn quyết định của chiến tranh thống nhất đất nước.

“Ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, chúng ta càng phải nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các giảng viên, sinh viên các trường đại học – những người đã vĩnh viễn không trở về và những người đã để lại một phần cơ thể để đất nước có được như ngày hôm nay. Thời gian đã lùi xa, đủ để vết thương thành sẹo, liền da, nhưng những người lính trong Hội Cựu chiến binh vẫn luôn nhớ về những người đồng đội đã “Mãi mãi tuổi hai mươi” trên mọi chiến trường xưa cũ, và chúng ta những người còn lại cần phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó” – PGS. Bùi Đức Thọ chia sẻ.

Phó Giáo sư, Chủ tịch Hội đồng trường cũng cho biết, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những Hội được thành lập sớm tại các trường Đại học. Từ khi thành lập đã nhanh chóng xây dựng tổ chức, phát triển hội viên; tạo mối quan hệ gắn bó với các đơn vị trong nhà trường và với địa phương, thực hiện tốt chức năng là một tổ chức chính trị – xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng, là một điểm sáng trong các trường Đại học; đồng thời hi vọng Hội Cựu chiến binh Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc và phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi hội viên, cựu chiến binh thật sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ noi theo.

GS.TS Nguyễn Quang Dong – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phát biểu

Nhớ lại lịch sử năm ấy, tạm xa mái trường, những người lính là giảng viên, sinh viên làm quen với súng ống, lựu đạn, với những đêm hành quân, báo động. Qua thời gian tân binh, họ vào thẳng chiến trường, tham gia chiến đấu ở các mặt trận Quảng Trị, Đông Nam Bộ. Thế hệ “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” khi ấy gồm các sinh viên, cán bộ giảng dạy của hơn 30 trường đại học, trung học miền Bắc, chủ yếu là thủ đô Hà Nội, từ Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Kinh tế Kế hoạch (Đại học Kinh tế Quốc dân), Mỏ – địa chất, Y dược, Mỹ thuật, Thể dục thể thao… Từ giảng đường, được bổ sung vào các đơn vị và đi thẳng vào chiến trường, nhiều cựu sinh viên, cán bộ giảng viên – những người lính ra đi từ giảng đường đại học năm ấy đã để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường, chỉ một phần thôi, nhưng đó là phần tinh hoa nhất của cuộc đời.

GS.TS Nguyễn Quang Dong chia sẻ “Tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó trở thành giảng viên của Nhà trường có NGND.PGS.TS Nguyễn Quang Thái, cố nhà giáo Trịnh Kim Bình. Số còn lại hoặc là đang học phổ thông chưa xong, hoặc đang học tại Kinh tế Kế hoạch, hoặc nhiều người đang là cán bộ giảng dạy, là cán bộ viên chức của trường, đều gác bút nghiên lên đường suốt một chặng đường dài 20 năm từ 1969 đến 1989 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Một số là cựu quân nhân chuyển ngành về học và công tác tại Trường.

“Chúng tôi – các CB, GV, SV – đã tỏa đi khắp các chiến trường. Đa phần đã vào các chiến trường trực tiếp đối đầu với quân địch. Các anh đã tham gia 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành cổ với bao hy sinh, mất mát. Trong 81 ngày đêm đấy, trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, 11/61 CB, GV, SV của Nhà trường đã anh dũng hy sinh ở mặt trận Quảng Trị trong thời gian này. Trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đã có 47 sinh viên của Trường tham gia đội Tầu không số. Các anh đã quên mình vận chuyển vũ khí cho tiền tuyến với những chiến công oanh liệt suốt tuyến Đường mòn trên biển!… Trong trận Điện Biên Phủ trên không ít nhất 12 sinh viên của Trường tham gia trực tiếp trong đội hình của Quân chủng Phòng không – Không quân. Trong số chúng ta ở đây, rất nhiều người đã tham gia trận chiến tại B2, B3 trong nhiều năm rất ác liệt, với sốt rét, mưa rừng, bom đạn trải thảm…

Với sự lãnh đạo của Đảng, sự anh dũng của toàn quân, toàn dân, Miền Nam đã được giải phóng 30/4/1975, non sông thu về một dải. Những CB, GV, SV của Trường được trở về tiếp tục học tập và công tác. Từ K13 đã có sinh viên quay trở lại Trường tiếp tục học tập. Tưởng rằng chúng ta được yên tâm, tiếp tục học tập, giảng dạy dưới mái trường Kinh tế Quốc dân thân yêu, nhưng năm 1978-1979, lại một lần nữa CB, GV, SV của Trường lại tiếp tục gác bút nghiên tham gia chiếu đấu bảo về Biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc. Đã có 42 sinh viên và 32 giảng viên tiếp tục gác bút nghiên lên đường bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Nhà trường cử hơn 1000 cán bộ, giảng viên và sinh viên xây dựng phòng tuyến Sông Cầu do CCB, TB hạng 4/8 Nguyễn Đông Hanh làm chính ủy, cố TS. Nguyến Đức Vị – Phó Trưởng khoa Toán làm tiểu đoàn trưởng.

Trên mặt trận xây dựng Nhà trường, xây dựng và phát triển Đất nước, CCB và các cựu quân nhân đã tiếp tục phát huy bản chất người chiến sỹ được tôi luyện trong môi trường quân đội đóng góp vào phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đóng góp vào mỗi cơ quan đơn vị công tác. Tại Đại học Kinh tế Quốc dân đã có 31 tiến sĩ là CCB, cựu quân nhân, trong đó có 5 giáo sư, 16 phó giáo sư. Các CSV xuất ngũ/chuyển ngành ra công tác ngoài trường, có nhiều người rất thành công trong công tác, như GS. Trịnh Duy Luân – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội; đồng chí Đặng Quốc Chính – Tổng Giám đốc Công ty Trần Phú, thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… Nhiều đồng chí tiếp tục công tác tác trong quân đội và đảm nhận vị trí quan trọng như Thiếu tướng Ngô Thành Thư… Dù công tác tại bất cứ đâu, cựu quân nhân, CCB, CSV gác bút nghiên đều tiếp tục viết tiếp “bài ca người lính”, vẫn “vững bước quân hành…” xây dựng Tổ quốc mình, đơn vị mình ngày càng tươi đẹp, phát triển, góp phần tô đẹp truyền thống của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chúng ta tự hào và ghi nhớ những cống hiến to lớn của CCB Kinh tế Quốc dân”.

Xúc động chia sẻ tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Quang Dong nhấn mạnh: “Trong không khí kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ các đồng đội không được may mắn như chúng tôi được trở về tiếp tục học tập, công tác; chúng tôi bùi ngùi khi không biết 42/61 Liệt sĩ của Trường ta yên nghỉ nơi đâu, bùi ngùi khi nhìn vào danh sách Liệt sĩ của Trường có người chỉ có tên mà không biết họ là gì? Có người có họ tên nhưng không biết quê quán ở đâu?… Với phẩm chất người lính, của “bộ đội Cụ hồ”, chúng tôi chỉ biết sống và làm việc xứng đáng là đồng đội của các Liệt sĩ”.

Ông Đặng Quốc Chính – CSV khóa 1971, Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện Trần Phú, thành viên HĐT, đại diện các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường tham gia khán chiến bảo vệ Tổ Quốc phát biểu

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa tri ân GS. Nguyễn Quang Thái – nguyên Chủ tịch Hội CCB đầu tiên của Trường

Lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các CCB, các đại biểu tham dự buổi Gặp mặt

Sau buổi gặp mặt, cô Đỗ Thị Hương, em gái sinh viên liệt sĩ Đỗ Thanh Quang rất xúc động trước những nghĩa cử của Nhà trường và các CCB tưởng nhớ và vinh danh các Anh linh Liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trên không và 78 năm truyền thống QĐND Việt Nam. Cô Đỗ Thị Hương chia sẻ: “Anh trai tôi Đỗ Thanh Quang nhập ngũ ngày 24/8/1970, sau khi đã hoàn thành năm nhất tại khoa Toán Kinh tế của Trường. Ngày 30/3/1975 anh đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Cuối năm 1995, gia đình tìm được mộ anh ở nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Buôn Mê Thuột.

Đầu những năm 2000, Nhà trường và Hội CCB của Trường đã liên lạc và đến thăm gia đình. Cách đây 20 năm, mẹ tôi ra Hà Nội đã được các anh chị mời ghé thăm Trường. Lúc đó cơ sở vật chất của trường còn rất khó khăn, thiếu thốn nhưng mẹ con chúng tôi đã được các anh chị tiếp đón rất nồng hậu, thân mật. Từ đó đến nay gia đình chúng tôi vào ngày 27/7 hàng năm đều nhận được sự quan tâm, thăm hỏi và nhận được quà của Nhà trường và Hội CCB gửi thắp hương tại gia cho Liệt sĩ.

15 năm nay về sống ở Hà Nội, 27/7 hàng năm tôi đều cùng con cháu đến thắp hương ở nhà Tưởng niệm, được gặp các anh chị cũng đến thắp hương tưởng niệm các Liệt sĩ, chúng tôi rất cảm động. Có thể nói sự quan tâm của Nhà trường và Hội CCB đối với các Liệt sĩ với tinh thần “không ai bị lãng quên” đã là nguồn động viên, an ủi rất lớn với các thân nhân Liệt sĩ và có lẽ nơi miền xa thẳm các Liệt sĩ cũng thấy vui lòng, an tâm về người thân nơi dương thế. Một lần nữa xin được bày tỏ sự trân trọng, sự cảm kích của chúng tôi trước những việc làm đầy tình nghĩa, đầy yêu thương và kính trọng của các anh chị đối với các Liệt sĩ. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Nhà trường và Hội CCB với các thân nhân Liệt sĩ”.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi Gặp mặt

Các CCB và các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại Đài kỷ niệm ngày lên đường bảo vệ Tổ quốc

ThS. Đỗ Thanh Nhàn – Chuyên viên Phòng CTCT&QLSV dẫn chương trình tại buổi Gặp mặt

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *