Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vốn là nhóm đối tượng “dễ tổn thương” nhất khi khủng hoảng xảy ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thấu hiểu điều đó nên thời gian qua các nhà băng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này để hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, thu hút hơn 5 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% GDP và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm. Chiếm đại đa số trong cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của DNNVV là vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, song cũng là nhóm được đánh giá là dễ tổn thương nhất khi khủng hoảng xảy ra.

Minh chứng là sau một năm rưỡi chống chọi cùng dịch bệnh Covid-19, số doanh nghiệp có quy mô nhỏ rút lui khỏi thị trường không ngừng tăng lên. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay đã có 70.209 doanh nghiệp “từ bỏ cuộc chơi”, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó phần nhiều là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

ho tro doanh nghiep nho va vua
Ảnh minh họa

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cũng cho thấy, có 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” vì dịch bệnh, trong đó nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ.

Theo TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV, DNNVV có đặc điểm là quy mô nhỏ, thị trường nhỏ, nguồn vốn hạn chế, chính vì vậy trong lúc khó khăn, dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là một trong những vấn đề hàng đầu của nhóm này.

Về nguồn vốn, khảo sát cho thấy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, thương mại… chủ yếu đang cần dòng vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động. Còn các doanh nghiệp sản xuất lại “khát” nguồn vốn trung và dài hạn.

Thấu hiểu những khó khăn này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tuy dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng, nhưng NHNN vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.

Minh chứng là hàng loạt chính sách đã được NHNN ban hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, gần đây nhất là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đặc biệt, các TCTD đã tung hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là đối với bộ phận DNNVV đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, nhiều sản phẩm ưu đãi dành riêng cho nhóm DNNVV.

Đơn cử như trong nhóm “Big 4”, Agribank cho biết tiếp tục dành 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi Agribank đồng hành và phát triển cùng DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ; trong đó 10.000 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng dành cho vay trung, dài hạn.

Theo đó, từ ngày 1/7/2021, nhóm doanh nghiệp này có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn giảm tới 4,5%/năm hoặc thấp hơn để bổ sung vốn lưu động phục vụ phương án sản xuất kinh doanh. Đối với cho vay trung, dài hạn doanh nghiệp có thể tiếp cận mức lãi suất tối thiểu 6,5%/năm để thực hiện các dự án đầu tư mới phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa 6 tháng đối với cho vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng đối với cho vay trung, dài hạn.

Các ngân hàng TMCP cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn ABBANK đang triển khai chương trình “SME – Tiếp vốn đầu tư” được thiết kế riêng cho khách hàng DNNVV có nhu cầu về vốn trung dài hạn từ 24 tháng trở lên với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm cho 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên.

Ngân hàng Bản Việt cũng tiếp nối các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh với việc triển khai gói vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%, đặc biệt dành cho các DNNVV. Ngoài ra, các thủ tục cũng được cải tiến đơn giản, nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp DN sớm tiếp cận với dòng tiền.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, khắc phục khó khăn do Covid-19, VPBank cũng tiếp tục đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo (vay tín chấp) với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng cùng lãi suất giảm tới 2%/năm.

Ông Đào Gia Hưng – Phó giám đốc khối DNNVV của VPBank cho biết: “Tại thời điểm này, không ít DNNVV muốn mở rộng hoặc duy trì kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính lại thận trọng “mở cửa” với cộng đồng này bởi nhiều lý do như doanh nghiệp thiếu hoặc không có tài sản thế chấp. Do vậy, việc tiếp cận vốn của DNNVV không hề dễ dàng. Bằng các tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ tối đa, chúng tôi hoàn toàn có thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề về vốn cũng như tiếp sức vận hành trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hạ Chi

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thoibaonganhang.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *