Hội thảo khoa học quốc gia: Đào tạo E-learning trong bối cảnh mới

Sáng nay (15/12/2023) tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia: “Đào tạo E-learning trong bối cảnh mới”.

Quang cảnh tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Phan Thế Công – Trường Đại học Thương mại; TS. Đặng Hương Giang – Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Đàm Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các giảng viên, đối tác, các tác giả có bài viết, sinh viên và các tổ chức quan tâm đến đào tạo E-learning.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) là điều kiện thuận lợi và có sự ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giáo dục đào tạo, hình thành phương thức đào tạo trực tuyến (E-learning), trở thành xu thế đào tạo trong thời kì mới. Phương thức đào tạo trực tuyến giúp môi trường học tập không bị giới hạn về thời gian và không gian, đồng thời giảm chi phí đào tạo và đem lại giá trị cho xã hội. Ngày nay, mô hình E-learning đã dần chiếm ưu thế và được triển khai ngày càng nhiều trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

CMCN 4.0 đã đặt giáo dục đại học trước nhiều thách thức rất lớn. Trong đó, sự xuất hiện của các công nghệ mới đã làm thay đổi nền tảng sản xuất và đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự, về khoa học công nghệ và tri thức. Chính vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam cần phải nhận thức được những thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại để sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển, thay đổi phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao. CMCN 4.0 đặt ra những thách thức to lớn đối với phương thức E-learning ở Việt Nam ở các khía cạnh: Sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách vĩ mô và các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến phương thức E-learning với cách hiểu đúng, đầy đủ và kịp thời bản chất của phương thức E-learnin trong bối cảnh CMCN 4.0. Cùng với đó, để có được môi trường đào tạo E-learning tốt, hiện đại thì phải đầu tư cho khoa học công nghệ bởi công nghệ thay đổi rất nhanh, thường chỉ sau vài ba năm là phải tìm cách đầu tư tiếp. Đây chính là rào cản, thách thức lớn nhất trong CMCN 4.0 khi mà trí tuệ nhân tạo, kĩ thuật số phát triển như vũ bão dẫn đến hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc đào tạo E-learning nhanh chóng trở lên lạc hậu hoặc không tương thích.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, nội dung giảng dạy của E-learning cũng cần phải được đầu tư và phát triển với chất lượng cao hơn, thực sự trở thành nội dung trực tuyến. Để soạn bài giảng E-learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giảng viên. Mặt khác, nhu cầu cá nhân của người học rất đa dạng dẫn đến việc thiết kế chương trình học sử dụng chung cho mọi học viên thông qua phương tiện truyền thông để đạt hiệu quả gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, phương pháp và kĩ năng của giảng viên trong giảng dạy trực tuyến hiện nay cũng là một vấn đề cần quan tâm. Một bộ phận giảng viên còn thiếu tự tin cũng như sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ mới dẫn đến hiệu quả giảng dạy thấp. Tính tương tác và mức độ tương tác giảng viên – sinh viên, sinh viên – sinh viên trong môi trường đào tạo trực tuyến ở Việt Nam hiện nay còn thấp.

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng khẳng định, đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức dạy và học rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0. E-learning đã góp phần tạo nên những thay đổi sâu sắc trong giáo dục, từ yếu tố thời gian, không gian không còn bị ràng buộc đến quá trình chuyển giao tri thức cũng trở nên chủ động hơn từ phía người học. Tuy nhiên, thách thức phía trước đối với đào tạo trực tuyến là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các trường cùng với sự hỗ trợ, điều tiết vĩ mô của Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách để biến những thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0. Chính vì vậy, Hội thảo khoa học quốc gia: “Đào tạo E-learning trong bối cảnh mới” được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức nhằm (i) Thảo luận về thực trạng, cơ hội và thách thức của hình thức đào tạo E-learning hiện nay tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam; (ii) và tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo E-learning, cũng như đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo E-learning trong bối cảnh mới.

PGS. Nguyễn Thành Hiếu hy vọng, thông qua các chủ đề tham luận tại Hội thảo sẽ góp phần tìm ra các giải pháp hữu ích, có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo E-learning tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Đồng thời, những chia sẻ quan điểm, ý tưởng, khuyến nghị của các đại biểu về những vấn đề đặt ra sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo E-learning tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.

TS. Đặng Hương Giang – Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp trình bày tham luận “Ứng dụng của Chatbot trong đào tạo trực tuyến”

TS. Đoàn Xuân Hậu – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Chất lượng chương trình E-learning tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị”

Sau gần 5 tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều bài viết gửi về và đã lựa chọn được 30 bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết tập trung vào các nội dung bao gồm: Cơ sở lý luận về phương thức đào tạo trực tuyến (E-learning); Cơ hội, thách thức của phương thức đào tạo E-learning trong bối cảnh mới; Kinh nghiệm đào tạo E-learning ở các Trường Đại học trên thế giới và Việt Nam; Thực trạng đào tạo E-learning tại các Cơ sở giáo dục ở Việt Nam; Đề xuất giải pháp cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo E-learning trong bối cảnh mới./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *