Hội thảo khoa học: “Thực trạng và phương hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Khoa học công nghệ mới và Đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện khát vọng Việt Nam”

Chiều ngày 28/8/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Chương trình KX04/21-25 đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng và phương hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Khoa học công nghệ mới và Đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện khát vọng Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Đoàn Chủ toạ có GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm KX04.19/21-25. Về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST; TS. Lê Đình Tiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Trương Thị Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương; PGS.TS Lê Xuân Bá – Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Hữu Xuyên – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ KH&CN; TS. Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao HCM; PGS.TS Lê Thu Thuỷ – Chủ tịch HĐT Trường ĐH Ngoại thương; TS. Phí Minh Tường – Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; TS. Đặng Thị Thu Hoài – Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện NCQLKT TW (CIEM); PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn có PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nguyên Chủ tịch HĐT Trường Đại học KTQD; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các thầy cô giáo và các cán bộ giảng viên của Trường.

Đoàn Chủ toạ điều hành tại Hội thảo

GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu

Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) xác định rõ ràng các mục tiêu và khát vọng phát triển quốc gia: “Đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đất nước đầy khát vọng này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoả trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đường hướng phù hợp với bối cảnh mới và được coi là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt các cơ hội, hóa giải và vượt qua các thách thức mang tính thời đại, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành và lĩnh vực”.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã xác định rõ “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo”… “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bút phá về năng suấtchất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế…”.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia mã số KX04.19/21-25 với đề tài: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KHCN mới và ĐMST. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và các đơn vị phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến chủ đề nghiên cứu ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nhằm làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Đây là cơ hội hết sức giá trị để các nhà khoa học cùng trao đổi và chia sẻ các vấn đề học thuật và thực tiễn cùng các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các trường đại học về những nội dung liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

PGS. Bùi Huy Nhượng mong muốn Hội thảo sẽ nhận được các ý kiến trao đổi nhằm tập trung làm rõ 3 nội dung chính sau đây: Thứ nhất, chỉ rõ thực trạng phát triển nền tảng KHCN mới và ĐMST ở Việt Nam thời gian qua cũng như mức độ đáp ứng yêu cầu của CNH, HĐH đất nước. Làm rõ thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; Thứ hai, những điểm nghẽn cần lưu ý trong quá trình CNH, HĐH đất nước trên nền tảng KHCN mới và ĐMST ở nước ta hiện nay, làm rõ các nét đặc thù, những khó khăn thách thức riêng có của Việt Nam;  Thứ ba, làm rõ các quan điểm định hướng và giải pháp nào nhằm thúc đẩy CNH, HĐH trên nền tảng KHCN mới và ĐMST ở phạm vi quốc gia và các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo cũng như nội dung bài viết trong kỷ yếu sẽ được nhóm nghiên cứu chắt lọc thành báo cáo kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan nhằm góp phần thực hiện tốt đường lối chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước và đạt được mục tiêu khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

TS. Đặng Thị Thu Hoài – Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện NCQLKT TW (CIEM) trình bày tham luận Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KHCN mới và ĐMST: Thực trạng và định hưởng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045

TS. Nguyễn Thị Xuân Thủy – Chuyên gia công nghiệp trình bày tham luận: Thực trạng và định hướng phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình CNH, HĐH trên nền tảng KHCN mới &ĐMST ở Việt Nam

PGS.TS Đỗ Thị Đông Trường Đại học KTQD, Đề tài KX04.19/21-25 trình bày tham luận: Thực trạng và phương hướng phát triển nền tảng KH,CN mới và ĐMST phục vụ CNH, HĐH

Hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết trong đó hơn 80 bài viết được lựa chọn để đăng trong 2 kỷ yếu hội thảo. Có thể nói đây là một chủ đề vô cùng nóng, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu cả lý lunaj và thực tiễn. Với các góc nhìn khác nhau, các bài viết đã tập trung thảo luận những nội dung chính sau đây:

Một là, thành công và hạn chế trong quá CNH, HĐH đất nước ở Việt Nam thời gian qua, kinh nghiệm thực thực hiện CNH, HĐH ở một số quốc gia trên thế giới và quan điểm, phương hướng thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới

Hai là, thực tiễn phát triển nền tảng KHCN và ĐMST ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

Ba là, thực tiễn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam và một số nước trên thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm làm rõ các xu hướng KHCN mới và mức độ sẵn sàng của Việt Nam.

Bốn là, một số quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát huy lợi thế của đất nước, đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước trên nền tảng KHCN mới và ĐMST thời gian tới nhằm thực hiện khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Các bài viết gửi về hội thảo đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm quí báu từ thành công và thất bại của các mô hình CNH, HĐH cũng như các chính sách thúc đẩy ĐMST và ứng dụng KHCN phục vụ CNH, HĐH đất nước của một số quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Israel… qua các thời kỳ phát triển. Đặc biệt, một số công trình nghiên cứu đã làm rõ vai trò và chính sách phát triển đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo và KHCN; làm rõ vai trò của các trường đại học, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và trong quá trình biến tri thức thành tài sản có giá trị gia tăng lớn khi thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; cũng như làm rõ các xu hướng KHCN mới trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *