Kinh nghiệm phát triển ví thanh toán số tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm và đề xuất đối với Việt Nam

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ví thanh toán số đã không còn xa lạ trên thế giới và thậm chí trở thành thói quen với nhiều người tiêu dùng.Ví thanh toán số ngày càng phổ biến cũng bởi nó mang lại nhiều lợi ích ưu việt cho người sử dụng: giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp với dòng chảy thị trường; dễ dàng theo dõi và kiểm soát tài chính; chuyên nghiệp hóa kinh doanh trực tuyến và hạn chế rủi ro về thất thoát, thiếu tiền, quên ví,… so với thanh toán bằng tiền mặt. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển loại hình thanh toán này tại các quốc gia có hệ thống thanh toán hiện đại là vô cùng cần thiết để rút ra những bài học quý báu cho Việt Nam, từ đó giúp cho người tiêu dùng có được những quyết định sử dụng và trải nghiệm tuyệt vời hơn.1. Tổng quan về ví thanh toán số
1.1. Khái niệm ví thanh toán số
 Theo hai nhà khoa học Bruce Boudreau và Burlington trong bài nghiên cứu phát minh sáng chế ở Mỹ vào năm 2013: “Ví thanh toán số hay còn gọi là ví ảo là phương thức cung cấp một hệ thống định tuyến tài khoản liên kết với tất cả các tổ chức phát hành tài khoản người dùng cuối cùng với một cổng thông tin trung tâm cho phép giao dịch thương mại điện tử”.
 Như vậy, việc thanh toán bằng ví thanh toán số sẽ được thực hiện thông qua một cổng thông tin trung tâm, cổng thông tin này là nơi liên kết với tài khoản của tất cả người dùng cuối cùng, nó làm nhiệm vụ chuyển tiền tự động từ tài khoản này sang tài khoản khác. Theo đó, các bên tham gia là những người bán hàng, người mua hàng, ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ mạng.
 Tại Việt Nam, mặc dù chưa có khái niệm tổng quan nhất về ví thanh toán số nhưng một số hình thức của nó đã được pháp luật quy định. Theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính,…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
 Ngoài ra, Thông tư số 23/2019/TT-NHNN đã quy định về khái niệm: “Dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các thành viên tham gia để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan”.
1.2. Một số hình thức ví thanh toán số phổ biến trên thế giớia) Ví thanh toán di động (Mobile Wallet): 
Theo IMF (Tanai Khiaonarong & David Humphrey, 2019): “Ví thanh toán di động là ví ảo lưu trữ thông tin thẻ thanh toán trên thiết bị di động. Ví di động là một phương thức thuận tiện để giúp người dùng thực hiện thanh toán tại cửa hàng hoặc cũng có thể được sử dụng bởi các thương gia”. Ví thanh toán di động là phiên bản số hóa của ví vật lý, hầu hết mọi loại thẻ có giá trị được lưu trữ trong ví vật lý cũng có thể được lưu trữ trong ví di động như giấy phép lái xe, số an sinh xã hội, thẻ thông tin sức khỏe, thẻ khách hàng thân thiết, thẻ chìa khóa khách sạn và xe buýt hoặc vé tàu. Bên cạnh đó, trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đang sử dụng hình thức thanh toán này như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp,… (Hình 1)

– Về cách thức hoạt động: Loại ví này sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) để truyền dẫn thông tin thẻ thực hiện giao dịch. Bước sử dụng khá đơn giản: Bước 1: Người dùng sẽ nhập thông tin thẻ tín dụng vào ví (số thẻ, tên chủ thẻ, ngày hết hạn, mã CVV,…) và thông tin xác nhận danh tính; Bước 2: Khi thanh toán, người dùng trượt tay từ phía dưới màn hình, chọn thẻ tín dụng, xác nhận danh tính bằng vân tay hoặc số PIN, sau đó, đưa điện thoại lại gần máy thanh toán.
 Tuy nhiên, không phải tất cả điện thoại hoặc thiết bị di động nào cũng đều được trang bị công nghệ NFC, ví dụ như ví thanh toán di động LevelUp sử dụng mã QR để quét khi thanh toán hay Square wallet sử dụng hình ảnh của người dùng để dễ dàng xác thực bởi người giao dịch và người phục vụ.
– Về tính bảo mật: Các hoạt động gian lận, chẳng hạn như trộm danh tính khó xảy ra hơn so với ví di động. Mặc dù thẻ tín dụng của người dùng có thể dễ dàng bị đánh cắp hoặc sao chép, điện thoại thông minh có thể bị đánh cắp. Tuy nhiên điện thoại thông minh bị đánh cắp có thể khó truy cập nếu không có mật khẩu truy cập hoặc kiểm tra vân tay được cài đặt. Ví di động cũng có thể có khóa mã hóa. Bên cạnh đó, ví di động trở nên hữu ích cho các doanh nghiệp bán lẻ phải xử lý khối lượng giao dịch lớn mỗi ngày vì ví di động giúp giảm thời gian chờ đợi và thanh toán. Đây là một lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. (Hình 2)

– Một số loại ví thanh toán di động phổ biến:
+ Samsung Pay: Dịch vụ thanh toán bằng thiết bị di động độc quyền của Samsung, được công ty Samsung cho ra mắt vào tháng 8 năm 2015 tại Hàn Quốc.
+ Apple Pay: Dịch vụ thanh toán di động được Apple Inc cung cấp trên các thiết bị iPhone và MacBook, Apple Pay liên kết với Visa PayWave, PayPass của MasterCard và American Express ExpressPay.
+ Google Pay: (trước đây là sự kết hợp bởi Pay with Google và Android Pay) là một nền tảng ví di động và hệ thống thanh toán trực tuyến được phát triển bởi Google nhằm triển khai hình thức thanh toán trong ứng dụng và chạm để thanh toán trên các thiết bị di động.
+ LG Pay: Dịch vụ đã được ra mắt tại Hàn Quốc vào ngày 02 tháng 6 năm 2017. LG Pay là dịch vụ thanh toán di động và ví kỹ thuật số của LG Electronics cho phép người dùng thanh toán bằng điện thoại tương thích và trong tương lai là các thiết bị khác do LG sản xuất. 
b) Ví thanh toán qua email
 Đối với email thông thường, chúng ta sẽ không được hỗ trợ dịch vụ thanh toán, nhưng hiện nay, một nền tảng mới được ra đời đó chính là EmailMonks, cho phép người dùng có thể thanh toán qua email. EmailMonks là một công ty chuyên biệt mã hóa và thiết kế các email, bản tin và trang đích. Hiện nay, EmailMonks mới hoạt động ở châu Mỹ, khách hàng của họ là những thương hiệu nổi tiếng như: Disney, National Geographic, Oracle,…
– Về cách thức hoạt động: Ban đầu, khách hàng sẽ gửi một khoản tiền cố định vào Emailmonks so với hóa đơn đã có. Sau đó, đối với mỗi đơn hàng, khách hàng sẽ bị tính phí tương ứng, và số tiền đó sẽ được khấu trừ từ ví. Khi số tiền trong ví hết, khách hàng có thể nạp lại ví của mình với một số tiền cố định khác.
– Về tính bảo mật: Tính bảo mật của ví thanh toán qua email chưa cao vì công ty chưa ứng dụng được công nghệ bảo mật hiện đại. Việc bảo mật email như hiện nay đơn giản là sử dụng số điện thoại để xác minh danh tính. Điều này khiến cho khách hàng có khả năng mất tiền nếu như bị mất tài khoản email hay mất điện thoại của mình.
– Một số loại ví thanh toán qua email phổ biến hiện nay: Ví thanh toán qua email chưa được ứng dụng rộng rãi, tại Việt Nam chưa ứng dụng hình thức thanh toán này, thậm chí đây cũng là hình thức còn khá xa lạ với một số quốc gia có hoạt động thanh toán số phát triển. Chính vì vậy, đây được coi là một trong những nhược điểm của loại ví này. (Hình 3)

c)Ví điện tử (e-wallet)
 – Về cách thức hoạt động: Các bước thanh toán khá đơn giản: 
Bước 1: Chọn phương thức thanh toán ví điện tử:

Bước 2: Nhập OTP hệ thống gửi về số điện thoại đăng kí khi mở tài khoản Ví

Bước 3: Nhận kết quả giao dịch.
 – Ví điện tử hiện nay bao gồm 3 hình thức chủ yếu: Ví điện tử kín, Ví điện tử bán kín, Ví điện tử mở.
 (i) Ví điện tử kín: Loại ví này chủ yếu được tạo ra bởi các kênh thương mại điện tử. Các kênh bán hàng này phát hành ví kín cho người tiêu dùng của họ. Tiền trong loại ví này chỉ được sử dụng để khách hàng thanh toán với chính công ty phát hành nó chứ không thanh toán được cho bên thứ ba. Một số kênh thương mại điện tử sử dụng loại ví này như: Flipkart.com, Makemytrip.com, Bookmyshow.com, Shopee…
 (ii) Ví bán kín: Ví bán kín là ví thanh toán phổ biến trong hệ thống. Các ví như Paytm Wallet, Freecharge Wallet, Citrus, Oxygen,…, được coi như là ví bán kín. Cần có sự chấp thuận của RBI (Cơ sở kiểm soát rủi ro) để bắt đầu và vận hành ví bán kín. Những ví này có thể được sử dụng để giao dịch trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm mua hàng hóa và dịch vụ, dịch vụ tài chính, thanh toán phí, phí bảo hiểm,… thông qua/cho các thương nhân có hợp đồng cụ thể với nhà phát hành để chấp nhận các công cụ thanh toán.
 (iii) Ví mở: Ví mở chỉ có thể được phát hành bởi các ngân hàng hoặc trong quan hệ đối tác với các ngân hàng. Những ví này có thể được sử dụng để thực hiện tất cả các giao dịch của ví bán kín cộng với rút tiền mặt tại ATM hoặc ngân hàng và chuyển tiền. M-Pesa của Vodafone và ngân hàng ICICI, Pay Zapp của HDFC Bank,… là một số ví mở ở Ấn Độ, Vietinbank ipay ở Việt Nam,…
– Về tính bảo mật: Hầu hết các loại ví điện tử đều sử dụng mã xác thực dùng một lần (OTP). Bên cạnh đó, một số hình thức khác như truy vấn thông tin khách hàng (câu hỏi bí mật, số CMND, ngày sinh) hoặc bảo mật với công nghệ Tokenization (những dãy ký tự đặc biệt). Nếu xảy ra lỗ hổng dữ liệu, kẻ gian sẽ không thể truy cập được vào dữ liệu thẻ thật sự, bởi những mã Token được lưu trong hệ thống sẽ không có giá trị đối với tất cả mọi người ngoại trừ đơn vị thanh toán hợp pháp. Chính vì vậy mà tính bảo mật của ví điện tử cũng được đánh giá là khá cao.
– Một số ví điện tử phổ biến:
 + Ví Việt: Do Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phát hành từ tháng 8/2016.
 + Ví Momo: Ứng dụng được xây dựng và phát triển bởi CTCP dịch vụ Di động trực tuyến ( hay còn gọi tắt là M-Service).
 + ZaloPay: Sản phẩm ví điện tử của Việt Nam, được phát triển bởi CTCP VNG, ra mắt chính thức vào tháng 12/2016.
d) Ví thanh toán với Bitcoin
 Bitcoin là tiền điện tử đầu tiên trên thế giới và là một loại tiền kỹ thuật số chỉ tồn tại dưới dạng điện tử. Nó được phát minh bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào (Coinmarketcap). Nổi tiếng về cung cấp dịch vụ ví thanh toán bitcoin đó là Coinbase, Coinbase hỗ trợ các chức năng như mua bán Bitcoin qua USD, cho phép khách hàng có thể dự trữ Bitcoin, chuyển và nhận tiền điện tử,… Coinbase có chức năng lớn nhất là hỗ trợ chuyển và nhận Bitcoin qua lại giữa các thành viên với nhau.
– Về cách thức hoạt động: Giao dịch Bitcoin là mẩu thông tin được ước hiệu với mục đích chuyển giao quyền sở hữu của một lượng bitcoin nhất định từ một cá nhân sang một cá nhân khác. Giao dịch ghi lại tất cả các chi tiết về bitcoin được biểu thị bằng ID giao dịch, số tiền chuyển, và địa chỉ người nhận. Nó được truyền tới mạng lưới Bitcoin để xác minh, nếu vượt quá số lượng cho phép thì nó sẽ được đặt trong sổ cái trực tuyến được gọi là chuỗi khối để chuyển.
– Về tính bảo mật: Độ an toàn của hệ thống Bitcoin phụ thuộc vào khả năng xử lý của toàn bộ mạng lưới blockchain để chống lại các nguy cơ phá hoại, đồng thời, mang lại giá trị và niềm tin cho bitcoin. Đã xảy ra nhiều vụ trộm Bitcoin, nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung là do khách hàng để lộ khóa riêng tư cho kẻ tấn công. Còn cho tới nay, giao thức bitcoin vẫn chưa hề có lỗ hổng bảo mật nào để làm mất bitcoin mà không dùng đến khóa riêng tư.
– Một số ví thanh toán với Bitcoin phổ biến hiện nay: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 đã có quy định rất rõ các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, không có loại phương tiện tương tự như ví thanh toán Bitcoin. Với cơ chế hoạt động không có sự kiểm soát, Bitcoin nằm ngoài thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước, vì thế, những giao dịch ngầm rất khó được kiểm soát như rửa tiền, trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp,… Hơn nữa, đây vẫn được xem là kênh đầu tư mạo hiểm và không được khuyến khích, do đó hình thức ví thanh toán số này chưa được phổ biến tại Việt Nam. 2. Kinh nghiệm phát triển ví thanh toán số tại một số quốc gia trên thế giới
2.1. Tại Canada
 Canada nằm trong danh sách 04 quốc gia có số lượng người sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhất trên toàn cầu. Con số này trung bình trên thế giới là 28% thì ở Canada, có 41% người dân dùng điện thoại thông minh và 64% trong số họ quan tâm tới ví thanh toán di động – mobile wallet (Roger, 2015). Với số lượng đông đảo dân cư sử dụng điện thoại thông minh, người dân Canada luôn quan tâm đến những dịch vụ hoàn toàn mới và tiện ích có thể tạo ra từ chiếc điện thoại thông minh của mình. Tại Canada, có 02 hình thức ví thanh toán số chính được sử dụng là ví thanh toán di động và ví điện tử. Cụ thể:
– Ví thanh toán di động
 Tại Canada, hầu hết các tổ chức đều mong muốn họ có thể cung cấp giải pháp thanh toán di động an toàn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, các nhà lãnh đạo thị trường công nghệ như Rogers (CTCP hoạt động trong lĩnh vực thanh toán di động nổi tiếng tại Canada) đã công bố một thỏa thuận với CIBC (Ngân hàng thương mại Hoàng gia Canada) về ví thanh toán di động và cung cấp thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng CIBC và điện thoại thông minh (Serda, 2012). Mặt khác, RBC (Ngân hàng Hoàng gia) cho ra mắt dịch vụ thanh toán di động giao tiếp trường gần NFC lưu trữ chi tiết thẻ của khách hàng trên đám mây (RBC, 2014). 
 Một số ví thanh toán di động phổ biến ở Canada:
 + Starbucks: Thanh toán bằng cách vuốt mã vạch của thẻ starbucks trên màn hình điện thoại, có sẵn tại hơn 800 cửa hàng của hàng này trên khắp Canada.
 + Air Canada với mobile

+: Quản lý kế hoạch du lịch của khách hàng thông qua bảng điều khiển chuyến bay, sử dụng các tính năng cho phép lưu trữ thông tin liên hệ, do đó cho phép khách hàng thanh toán trực tiếp một số dịch vụ của Air Canada từ thiết bị di động.
 + Visa với V.me: Cho phép các giao dịch trực tuyến và điểm bán hàng sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần và thiết bị di động sử dụng tài khoản Visa và không Visa.
– Ví điện tử
 Không chỉ phát triển thanh toán ví di động, Canada còn là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển ví điện tử trên thế giới. Một trong số ví điện tử đó là Neteller. Neteller là dịch vụ thanh toán trực tuyến, giúp khách hàng gửi và nhận tiền online một cách nhanh chóng và dễ dàng chỉ với địa chỉ email của khách hàng. Dịch vụ ví điện tử này thành lập từ năm 1999 ở Canada. Có thể hình dung Neteller như một tài khoản ngân hàng trực tuyến hay một ví tiền online, với những tính năng chính như: Thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các website chấp nhận Net, nạp tiền (deposit) và rút tiền (withdraw) tại các kênh đầu tư trực tuyến, chuyển và nhận tiền giữa các tài khoản Net, chuyển tiền vào tài khoản Net bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế, rút tiền từ Net về tài khoản ngân hàng hoặc thẻ Visa.
 + Sử dụng ví thanh toán số theo từng nhóm độ tuổi tại Canada: Canada có tỷ lệ người sử dụng ví thanh toán số tăng theo độ tuổi cao nhất đối với những người từ 18 đến 34 tuổi.
 + Về cách thức quản lý: Sự ra đời của những công ty tài chính công nghệ trong lĩnh vực ví thanh toán di động đã tạo ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý. Chính phủ Canada đã thành lập Hiệp hội thanh toán Cananda với nhiệm vụ tạo ra và vận hành các hệ thống quốc gia trong hoạt động thanh toán số. Hiệp hội này đã ban hành bộ hướng dẫn đối với công nghệ giao tiếp trường gần NFC cho ví thanh toán di động. Các hướng dẫn này được phát triển bởi các ngân hàng và nhóm liên minh tín dụng lớn của Canada, nhằm đưa ra khuyến nghị liên quan đến chức năng, tính năng bảo mật và xử lý thanh toán di động. (Biểu đồ 1,2)

2.2. Tại Ấn Độ
– Ví thanh toán đi động 
 Năm 2017, Ấn Độ ghi nhận xu hướng bùng nổ trong thanh toán ví di động. Hàng triệu người Ấn Độ chưa từng sử dụng thẻ tín dụng đã “quá độ” sang sử dụng ví thanh toán di động vì họ cho rằng việc này thuận tiện hơn. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán qua di động, đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức thanh toán này. Năm 2016, nước này bắt đầu cho phép thêm nhiều công ty tham gia vào thị trường cung cấp ví điện tử và xây dựng hệ thống thanh toán mới cho phép người dân kết nối với số chứng minh thư, số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, việc thanh toán, chuyển khoản qua di động trở nên thuận tiện và dễ dàng với đông đảo người dân.  
 Kể từ sau chiến dịch trên bắt đầu, tổng giá trị giao dịch qua thiết bị di động tăng gấp đôi. Trong khi đó, lượng giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ giảm đáng kể. Dù giá trị tiền thanh toán qua ví di động vẫn thấp hơn nhiều so với qua thẻ ghi nợ và séc, nhưng đang sắp đuổi kịp với các giao dịch qua thẻ tín dụng. Tháng 2/2017, tổng giá trị thanh toán qua di động đạt 69,11 tỷ Rupee (1,07 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với 6,4 nghìn tỷ Rupee của séc và thẻ ghi nợ, nhưng không quá khó để đạt mức 286 tỷ Rupee của thẻ tín dụng với tốc độ tăng trưởng hiện nay. Thanh toán qua di động tăng trưởng vượt trội hơn hẳn so với các hình thức còn lại. Từ tháng 10/2016 tới tháng 2/2017, giá trị thanh toán của hình thức này tăng 104%, trong khi séc, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng lần lượt giảm 1%, 17% và 5%. Tiếp đà này, tới năm 2020, thẻ ngân hàng và máy rút tiền tự động (ATM) sẽ trở nên thừa tại Ấn Độ, Amitabh Kant, một quan chức chính phủ Ấn Độ, dự báo. 
 Một số ví thanh toán di động phổ biến tại Ấn Độ:
 + Amazon Pay: Ra mắt Ấn Độ năm 2017, Amazon Pay sử dụng nền tảng khách hàng của mình và tập trung vào cung cấp cho người dùng tùy chọn thanh toán bằng tài khoản Amazon của họ trên web thương mại bên ngoài.
 + Google Pay: Một phần của hệ sinh thái Google, khách hàng có thể gửi tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, mua hàng trực tuyến,…
 + Samsung Pay: Ví thanh toán di động được phát triển bởi công ty Samsung. 
– Ví điện tử:
 Còn trên thị trường ví điện tử, kết quả một nghiên cứu do Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) và công ty tư vấn doanh nghiệp RNCOS cùng tiến hành cho thấy đến tài khóa 2022, thị trường ví điện tử ở nước này được dự báo tăng trưởng hơn 190%, đạt mức 1.512 tỷ rupee (22,23 tỷ USD) so với mức như hiện nay là 1,5 tỷ rupee.
 Theo nghiên cứu trên, việc người dân Ấn Độ gia tăng sử dụng điện thoại thông minh, tăng cường kết nối Internet cùng với sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử và thu nhập sẵn có tăng lên là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này. Nghiên cứu cũng cho biết, giá trị các giao dịch bằng ví điện tử ở Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức hơn 200% và đến tài khóa 2022 sẽ đạt mức 275.000 tỷ rupee so với mức 206 tỷ rupee trong tài khóa 2016. Còn xét về mặt giá trị thị trường, các giao dịch bằng ví điện tử đã tăng khoảng 20 lần, đạt giá trị 206 tỷ rupee trong tài khóa 2016 so với mức 10 tỷ rupee trong tài khóa 2013.  Một số ví điện tử phổ biến tại Ấn Độ như: Paytm, Freecharge, Mobikwik,…
 Cách thức quản lý: Ngân hàng dự trữ Ấn Độ có những chính sách về hướng dẫn phát hành và vận hành ví thanh toán số tại Ấn Độ. Một bộ quy tắc này được ban hành ngày 1/7/2014. Đối với vấn đề bảo mật khách hàng, bộ luật này quy định tất cả các nhà phát hành buộc phải tiết lộ tất cả các điều khoản và điều kiện ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản dễ hiểu cho khách hàng. Những thông tin bao gồm: Tất cả các chi phí và lệ phí liên quan đến việc sử dụng các công cụ; Thời hạn sử dụng và các điều khoản liên quan; Chi tiết liên hệ dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, bộ luật này không quy định biện pháp bảo mật nghiêm ngặt (vì các biện pháp bảo mật được tùy ý các bên tự triển khai). Điều này khiến cho thông tin và dữ liệu bị xâm phạm, cho thấy rõ tàng cần phải tăng cường luật bảo vệ dữ liệu ở Ấn Độ.
2.3. Hàn Quốc
 Người dân Hàn quốc đang ngày càng có xu hướng yêu thích thanh toán không dùng tiền mặt khi nhiều người chuyển sang dùng ví điện tử và ví thanh toán di động cho cả mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến. Giá trị thanh toán di động trị giá 2.12 triệu won (1.800% đô la Mỹ) năm, tăng 147.4%. Tổng khối lượng thanh toán được hỗ trợ bởi các dịch vụ thanh toán di động đạt 67.2 tỷ won (57 triệu USD), tăng 158.4% so với năm 2016.
 Để khai thác cơ hội này, các công ty công nghệ, công ty thẻ tín dụng và thậm chí cả chính phủ đã tung ra các dịch vụ ví thanh toán đa dạng. Trong số những nhà cung cấp ví thanh toán số, không thể phủ nhận Samsung Pay là một trong những hệ thống thanh toán di động hàng đầu tại Hàn Quốc. Samsung Pay, nhà sản xuất điện thoại thông minh ra mắt năm 2015, là dịch vụ thanh toán di động và ví kỹ thuật số sử dụng giao tiếp trường gần (NFC) và công nghệ truyền bảo mật từ tính để cho phép người dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại tương thích bằng cách liên kết thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.
 Tổng khối lượng giao dịch của Samsung Pay đã vượt quá 40 nghìn tỷ won (33,68 tỷ USD) vào cuối tháng 4 với số lượng thuê bao vượt quá 14 triệu, báo cáo của Business Korea. Năm 2018, dịch vụ này chiếm 80% thị trường thanh toán ngoại tuyến đơn giản tại Hàn Quốc, theo Dịch vụ giám sát tài chính.
 Bên cạnh Samsung Pay, một trong số những người tiên phong đầu tiên về thanh toán di động ở Hàn Quốc đó là  Kakao, nhà điều hành ứng dụng nhắn tin số một Hàn Quốc KakaoTalk, đã ra mắt Kakao Pay vào năm 2014 để cho phép người dùng thực hiện giao dịch trực tuyến và thanh toán di động bằng mã NFC và QR.. Kể từ khi phát hành, Kakao đã mở rộng sang các dịch vụ tài chính khác bằng cách phát hành thẻ ghi nợ của riêng mình và ra mắt ngân hàng riêng (Ngân hàng Kakao) và dịch vụ đầu tư (Kakao Investment). Kakao Pay cũng đã bổ sung thêm nhiều tính năng như khả năng gửi kiều hối, gửi hóa đơn và hoàn thành các giao dịch trực tuyến trên thiết bị di động, với mục tiêu trở thành một nền tảng tài chính tích hợp.
 Kakao Pay đã vượt mốc 10 triệu người dùng sau 20 tháng kể từ khi được phát hành và các giao dịch được thực hiện bằng dịch vụ này vượt quá 2,3 nghìn tỷ won (2,04 tỷ USD) hàng tháng, tính đến tháng 10 năm 2018.Với sự gia tăng nhanh chóng của người dùng và giao dịch, Kakao Pay đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu đô la Mỹ từ Công ty tài chính Alibaba năm 2017.
 Một loại ví thanh toán di động khác rất phổ biến tại Hàn Quốc là Naver, ra mắt Naver Pay vào năm 2015. Naver Pay là dịch vụ thanh toán di động cho phép cả thanh toán di động thông qua ứng dụng và thanh toán trực tuyến để mua sắm trực tuyến tương tự PayPal. Tính đến tháng 10 năm 2018, tổng số người dùng Naver Pay đã vượt quá 26 triệu và ngành công nghiệp ước tính số tiền giao dịch trung bình hàng tháng của nó là khoảng 900 tỷ won (797,17 triệu USD). Naver Pay là dịch vụ thanh toán di động thứ hai của hãng, sau Line Pay, một ví điện tử được tích hợp vào nền tảng nhắn tin Line, ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại Nhật Bản. Line Pay cho phép người dùng yêu cầu và gửi tiền từ người dùng trong danh sách liên hệ của họ và thực hiện thanh toán di động tại cửa hàng. Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2014, dịch vụ đã mở rộng để cho phép các tính năng khác như chuyển khoản ngoại tuyến khi mua hàng và giao dịch ATM như gửi tiền và rút tiền. Giống như Kakao Pay, Naver Pay tìm cách thiết lập một hệ sinh thái.
 Để phát triển đa dạng cách thức thanh toán bằng ví di động, các nhà cung cấp không chỉ sử dụng giao tiếp trường gần NFC mà còn cho phép thanh toán bằng mã QR. Mã QR, tuy còn non trẻ, nhưng đang phát triển khá nhanh chóng ở Hàn Quốc với Kakao QR Pay ghi nhận 190.000 cửa hàng đối tác và giao dịch trị giá 3 nghìn tỷ won (2,562 tỷ USD) tính đến tháng 12 năm 2018.
 Vào cuối năm 2018, ba công ty thẻ tín dụng của Hàn Quốc là BC Card, Shinhan Card và Lotte Card đã tiết lộ kế hoạch thương mại hóa một giải pháp có tên là QR, QR trả tương thích tại 8 triệu cửa hàng nhượng quyền tại Hàn Quốc. Điều làm cho giải pháp này trở nên khác biệt là các yêu cầu thanh toán sẽ được tích lũy và thanh toán đầy đủ vào ngày đáo hạn hàng tháng, tương tự như cách thẻ tín dụng hoạt động. (Hình 4)

 Như đã đề cập, Chính phủ Hàn Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua này, họ đã cho ra mắt vào tháng 3/2017 một hệ thống thanh toán di động có tên là Zero Pay. Được khởi xướng bởi thành phố Seoul và Bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các công ty khởi nghiệp hợp tác với các ngân hàng địa phương và các công ty tài chính, Zero Pay là một hệ thống thanh toán di động cho phép người dùng thanh toán bằng cách quét mã QR của nhà cung cấp. Có thể truy cập Zero Pay thông qua các ứng dụng di động của các ngân hàng lớn, bao gồm Ngân hàng KB Kookmin và Ngân hàng Woori, cũng như Bank Pay, một ứng dụng đa chức năng liên kết với 19 ngân hàng địa phương.
 Về cách thức quản lý: Khi thị trường thanh toán di động của Hàn Quốc nóng lên, Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) Hàn Quốc quyết định về việc mở các mạng thanh toán liên ngân hàng cho tới công ty tài chính liên phi ngân hàng. Động thái này cho phép các ngân hàng trong nước và công ty fintech tự do vào các mạng thanh toán do các ngân hàng khác thiết lập và cho phép họ dễ dàng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính đổi mới hơn. FSC cũng đang lên kế hoạch sửa đổi Đạo luật Giao dịch tài chính điện tử. 3. Bài học kinh nghiệm và một số đề xuất đối với Việt Nam
3.1. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, về mô hình ví thanh toán số: Mô hình được ưa chuộng và có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai chính là sự kết hợp giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ. Trong đó, các ngân hàng có thể ứng dụng cập nhật công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn từ phía khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy. Các công ty tài chính công nghệ, có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 – Đối với ví điện tử, các công ty tài chính công nghệ dựa trên mạng lưới khách hàng của ngân hàng đã có sẵn, khách hàng muốn sử dụng ví phải liên kết với tài khoản ngân hàng của họ để lấy được tiền. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, việc làm của tất cả các nhà cung cấp ví điện tử vẫn thường xuyên chú trọng chính là việc đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán trong đời sống khách hàng. Như khách hàng có thể thanh toán cho đơn hàng trực tuyến, thanh toán tiền điện, nước, internet, nạp tiền điện thoại,… Ngoài ra việc không ngừng đưa ra các gói khuyến mãi sẽ thu hút được lượng khách hàng đông đảo hơn.
 – Đối với ví thanh toán di động, khách hàng muốn sử dụng cũng phải liên kết với thẻ ngân hàng từ trước, đây cũng thể hiện sự hợp tác với ngân hàng của hình thức thanh toán số này. Theo kinh nghiệm của ví thanh toán di động tại Hàn Quốc, cách mà các nhà cung cấp họ làm để phát triển sản phẩm ví của mình chính là đi tìm cho mình một hệ sinh thái. Mỗi công ty sẽ có những thế mạnh khác nhau, trong từng lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy mà khi đã tìm chính xác khu vực muốn phân phối và tập trung các thế mạnh của mình vào đó sẽ tạo ra một ấn tượng tốt cho khách hàng. Điều này cũng giúp cho nhà cung cấp có thể tiết kiệm chi phí hơn là việc phát triển sản phẩm quá rộng rãi mà không thu về hiệu quả cao.
Thứ hai, về bảo mật: NHNH nên theo dõi tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới để triển khai các giải pháp an toàn, an ninh trong thanh toán ví thanh toán số. Từ kinh nghiệm của các quốc gia kể trên, một số công nghệ bảo mật hiện đại đang được áp dụng như: Tích hợp công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); Nhận diện số hóa (digital identities); Xác thực đa nhân tố (MFA).
 – Tích hợp công nghệ mã hóa thông tin thẻ (tokenization): Tokenization là quá trình chuyển một đoạn dữ liệu có ý nghĩa, chẳng hạn như số tài khoản, thành chuỗi ký tự ngẫu nhiên được gọi là token không có giá trị có ý nghĩa nếu bị vi phạm. Các thẻ được dùng làm tham chiếu đến dữ liệu gốc, nhưng không thể được sử dụng để đoán các giá trị đó. Bởi vì, token không sử dụng một quá trình toán học để chuyển đổi thông tin nhạt cảm thành mã thông báo. Thay vào đó, mã thông báo sử dụng một cơ sở dữ liệu, được gọi là một kho lưu trữ token, lưu trữ mối quan hệ giữa giá trị nhạy cảm và mã thông báo. Dữ liệu thực tế trong hầm được bảo mật, thường thông qua mã hóa.
 – Nhận diện số hóa (digital indentities): Số hóa đề cập đến việc tạo ra một đại diện kỹ thuật số của các đối tượng vật lý. Số hóa là quá trình chuyển đổi tín hiệu tương tự (analog) hoặc thông tin của bất kỳ biểu mẫu nào thành định dạng kỹ thuật số có thể được hiểu bởi hệ thống máy tính hoặc thiết bị điện tử. Thông tin được số hóa dễ dàng hơn để lưu trữ, truy cập, truyển tải.
 – Xác thực đa nhân tố (MFA): Là phương pháp thực hiện đơn giản mà hữu ích nhất,giúp bổ sung lớp bảo vệ khác ngoài tên người dùng và mật khẩu. Khi đã bật MFA, lúc người dùng đăng nhập vào, họ sẽ được nhắc nhập tên người dùng và mật khẩu, cũng như nhập phản hồi xác thực từ thiết bị MFA. Khi được kết hợp với nhau, những yếu tố này sẽ cung cấp bảo mật nâng cao cho tài nguyên và cài đặt tài khoản cho khách hàng.
Thứ ba, về quản lý: Rất cần thiết thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt về mảng xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống thanh toán số của một quốc gia, ban hành những hướng dẫn trong cách xây dựng quản lý đối với nhà cung cấp và cách thức sử dụng đối với người tiêu dùng. 
 Từ kinh nghiệm của Canada và Ấn Độ, các quốc gia thành lập riêng một cơ quan quản lý hoạt động của ví thanh toán số. Các cơ quan này sẽ ban hành bộ hướng dẫn đối với việc tạo lập và sử dụng các dịch vụ thanh toán số nói chung và ví thanh toán số nói riêng. Ví dụ như Canada với Hiệp hội thanh toán Canada, họ ban hành bộ hướng dẫn, bộ hướng dẫn này được phát triển bởi các ngân hàng và nhóm liên minh tín dụng lớn của Canada nhằm đưa ra khuyến nghị liên quan đến chức năng, tính bảo mật và xử lý nhanh thanh toán động. Hoặc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ có chính sách về hướng dẫn phát hành và vận hành ví thanh toán số, bộ luật quy định tất cả các nhà phát hành buộc phải tiết lộ tất cả điều khoản và phải đảm bảo dễ hiểu đối với khách hàng.
3.2. Một số đề xuất
 – Xây dựng hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy cải tiến công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động ví thanh toán số phát triển, có những chính sách khuyến khích người dân sử dụng ví thanh toán số nhiều hơn, và có những chế tài để các cá nhân, tập thể, các nhà cung ứng tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
 – Về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán: (i) Phát triển cơ sở hạ tầng chấp nhận thanh toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm ứng dụng sâu rộng dịch vụ ví thanh toán số đối với khách hàng và các doanh nghiệp; (ii) Đẩy mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên quốc gia, ví dụ như hệ thống thanh toán xuyên biên giới tức thời của khu vực ASEAN, như PayNet ở Malaysia, ITMX ở Thái Lan, NAPAS ở Việt Nam, NETS ở Singapore và Rintis của Indonesia; (iii) Chính phủ không ngừng cung cấp các gói hỗ trợ cho các nhà cung ứng dịch vụ ví thanh toán số để cải thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng thanh toán.
 – Về xây dựng mô hình thanh toán: Từ thực trạng sử dụng ví thanh toán số tại Canada, Ấn Độ và Hàn Quốc, mô hình thanh toán được ưa chuộng nhất tại các quốc gia kể trên đó chính là sự kết hợp giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ để phát triển ví điện tử, ví thanh toán di động. 
 – Đối với nhà cung ứng dịch vụ ví thanh toán số: (i) Cần thiết đơn giản hóa giao diện thanh toán của ví. (ii) Nâng cao tốc độ thanh toán, giảm thiểu chi phí không cần thiết. (iii) Cần thiết cung cấp cho khách hàng dùng thử ví thanh toán số trong khoảng 2 tháng để giúp khách hàng làm quen với ví, cũng như là tăng số lượng khách hàng trung thành. 
 – Đa dạng hóa các hình thức, sản phẩm ví thanh toán số, cũng như các nhà cung ứng trong và ngoài nước để tăng khả năng cạnh tranh, giúp nhà cung cấp phát triển, đem lại sản phẩm tốt hơn.
 – Về an ninh, bảo mật, có các giải pháp an toàn tích hợp các công nghệ mã hóa thông tin thẻ (tokenization), xác thực đa nhân tố, các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và sử dụng nhận diện số hóa (digital identities).
 – Các công ty tài chính công nghệ nên tăng cường hợp tác và đầu tư từ nước ngoài để nhận chuyển giao và cập nhật công nghệ mới, nhất là những công nghệ tạo ra sản phẩm bậc cao như tư vấn tự động, nhận diện kỹ thuật số,… từ xu thế phát triển của công ty tài chính công nghệ toàn cầu.
 – Việc nhận thức của khách hàng trong việc sử dụng ví thanh toán số là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy mà cần phải đề xuất phương án xây dựng các chương trình nhằm cung cấp các thông tin cho người tiêu dùng qua TV, báo chí, sách trắng,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *