Mua trái phiếu dài hạn – Một cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu vào tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng

Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày 20/11/2017 là cơ sở pháp lý gần nhất giúp củng cố vai trò, vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Cùng với hoạt động “cho vay đặc biệt”, việc “mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ” theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo cơ hội cho BHTGVN được tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, góp phần bảo vệ người gửi tiền tốt hơn.


Những cơ hội, triển vọng cho tổ chức BHTG
 Cụ thể, hoạt động này được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 146, khoản 11 Điều 148đ Luật số 17/2017/QH14 (Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017): “NHNN quyết định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; TCTD hỗ trợ được phát hành trái phiếu dài hạn cho BHTGVN theo quyết định của NHNN”.  
 Theo đó, mua trái phiếu dài hạn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư theo hướng bổ sung công cụ nợ được phép mua, bán vào danh mục các công cụ sử dụng nguồn vốn hoạt động của tổ chức. Xét ở mục đích, lợi ích và ý nghĩa của quá trình tham gia cơ cấu lại hệ thống các TCTD là phục hồi hoạt động các tổ chức yếu kém, việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn tham gia hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt vừa để thực hiện nhiệm vụ chính trị mới, vừa góp phần vào sự phát triển an toàn và ổn định hệ thống ngân hàng.
 Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ là các ngân hàng thương mại (NHTM) tạo tiền đề để xây dựng cơ chế cho phép BHTGVN chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu theo đề xuất của BHTGVN và các bên liên quan. Trong trung hạn, BHTGVN hướng đến mua các công cụ nợ của NHTM được xếp loại tốt như một nghiệp vụ giúp BHTGVN trở thành công cụ đắc lực của NHNN trong thực hiện các nhiệm vụ và chức năng theo yêu cầu quản lý, điều hành. Về dài hạn, đề xuất được mua các sản phẩm mới (giao dịch mua bán lại, giao dịch mua bán kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu…) là cơ sở để BHTGVN đa dạng hóa danh mục đầu tư, gia tăng khả năng và hạn mức chi trả, đủ năng lực để sẵn sàng cấp vốn trước (chi trả trước một phần) cho người gửi tiền. Từ đó, vị thế của BHTGVN sẽ được nâng cao.
Một số vấn đề đặt ra
 Hiện nay, BHTGVN đang xây dựng Quy chế mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ để trình xin ý kiến của NHNN, từ đó, xây dựng Dự thảo Hướng dẫn quy trình mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ và có thể sớm thực hiện đầu tư vào công cụ này trong thời gian tới.
 Tuy nhiên, việc mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ hiện còn nhiều bất cập. Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có nội dung cho phép mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Trong khi đó, Luật số 17/2017/QH14 và Thông tư số 20/2020/TT-BTC ngày 01/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính đối với BHTGVN đã cho phép BHTGVN được sử dụng vốn hoạt động để mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN. 
 Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng chưa quy định việc bán các công cụ đầu tư mà vẫn giới hạn ở việc mua và nắm giữ đến ngày đáo hạn và chỉ được bán trong trường hợp chi trả, trong khi Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã cho phép BHTGVN được thay đổi phương thức đầu tư gồm mua và bán trái phiếu trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm, giúp BHTGVN tối ưu hóa mọi nguồn tiền nhàn rỗi sẵn có cho đầu tư. 
 Đối với trường hợp BHTGVN tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, nếu phải hỗ trợ về lãi suất thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ, gây sụt giảm nguồn vốn. Vì vậy, để BHTGVN duy trì được nguồn vốn và đảm bảo về năng lực tài chính của tổ chức, các quy định nên chỉ rõ, BHTGVN sẽ chỉ tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém trên phương diện hỗ trợ về vốn, và quan trọng hơn là cho phép BHTGVN nắm được các thông tin của các TCTD yếu kém là NHTM trong giai đoạn xây dựng phương án phục hồi. Hiện nay, BHTGVN mới chỉ được cho phép tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém giới hạn là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và công ty tài chính. 
 Để đảm bảo sự thống nhất với Luật số 17/2017/QH14, Thông tư số 20/2020/TT-BTC và để tạo tiền đề giúp BHTGVN có thể nâng cao năng lực tài chính, việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm tiền gửi là vô cùng cần thiết, trong đó cần đồng bộ hóa tất các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của BHTGVN và cho phép BHTGVN được tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém. 
 Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cũng cần cập nhật những quy định về việc BHTGVN được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện các hoạt động đầu tư, bao gồm vốn điều lệ, quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ để thực hiện việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém và các nguồn hợp pháp khác. BHTGVN cũng nên đề xuất được bổ sung thêm các hình thức đầu tư khác như bán trái phiếu Chính phủ; mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương; mua, bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại NHTM được NHNN xếp loại A; và mua, bán trái phiếu của NHTM được NHNN xếp loại A…
 Ngoài ra, việc cho phép BHTGVN nắm được những thông tin về TCTD yếu kém là NHTM bên cạnh các quỹ tín dụng nhân dân là vô cùng cần thiết, bởi đây là những thông tin quan trọng giúp BHTGVN tham gia xây dựng phương án phục hồi một cách hiệu quả nhất, đồng thời giúp rút ngắn thời gian xây dựng phương án để các TCTD yếu kém không lâm vào tình trạng khủng hoảng trong khi chờ phương án phục hồi được phê duyệt…
 Một điều kiện không thể thiếu để thực hiện tái cơ cấu các TCTD nhanh chóng và hiệu quả là cần đảm bảo hệ thống Bảo hiểm tiền gửi có đủ năng lực tài chính, trong đó có thể kể đến một số giải pháp: Tăng phí bảo hiểm tiền gửi định kỳ, sử dụng hiệu quả nguồn phí thông qua các hình thức đầu tư hiện có và giảm chi phí hoạt động của tổ chức. Việc sử dụng linh hoạt nguồn tiền thu được từ phí bảo hiểm tiền gửi, lãi từ hoạt động đầu tư cũng như mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ một cách hợp lý và hiệu quả là những cách thức khả thi nhất giúp BHTGVN củng cố năng lực tài chính để khẳng định vai trò của mình khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD.
 BHTGVN cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện như hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới; cũng như chủ động đề xuất nội dung liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với Luật số 17/2017/QH14 và các văn bản liên quan. Đây là bước đi cần thiết để khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành sẽ có những nội dung đồng bộ với quy định hiện hành, tránh gây lãng phí thời gian và công sức; đồng thời giúp BHTGVN sớm hiện thực hóa vai trò trong quá trình tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, chủ động ứng phó với những rủi ro từ hoạt động mua trái phiếu dài hạn.

Việt Hưng

Tạp chí Ngân hàng số 12/2021(http://tapchinganhang.gov.vn/mua-trai-phieu-dai-han-mot-co-so-de-bao-hiem-tien-gui-viet-nam-tham-gia-sau-vao-tai-co-cau-he-thong-.htm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *