PHÓNG SỰ SBF

Chạm mặt “Ngân – Tài” chúng tớ đã lâu, liệu các bạn có hiểu rõ những kiến thức về chúng tớ? Phải chăng đã có những lúc bạn vô tình hiểu nhầm ngành học này?

Hãy cùng các phóng viên của SBF đến với những điều chưa kể trong phóng sự này nhé!

1. Chứng từ kế toán Ngân hàng trong tiếng Anh gọi là Bank Accounting Vouchers.

Đây là các bằng chứng chứng minh các nghiệp vụ kinh tế tài chính đã phát sinh và thực sự hoàn thành, và là cơ sở để hạch toán vào sổ sách kế toán tại các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.

Chứng từ kế toán có thể là chứng từ bằng giấy hoặc chứng từ điện tử.

2. Bank teller hay còn gọi là giao dịch viên,là bộ mặt của Ngân hàng, đảm nhiệm vai trò tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với khách hàng đến thực hiện các giao dịch tại Ngân hàng.

Nhiệm vụ chính của giao dịch viên là tư vấn, hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch, giới thiệu các sản phẩm mới của Ngân hàng và thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn cũng như chăm sóc khách hàng.

Đây thường là vị trí xuất phát của dân ngân hàng nếu làm đúng ngành và đi đúng theo “lộ trình thăng tiến” đấy!

3. Short selling (bán khống) là hành động đi vay và bán một loại chứng khoán với hy vọng rằng nó sẽ giảm giá và bạn có thể đóng giao dịch để kiếm lợi nhuận từ mức giá chênh lệch.

Và mách nhỏ với bạn thêm một điều, đây cũng chính là cách mà “người đàn ông đánh sập Ngân hàng Anh” – George Soros đã đầu cơ và thu về lợi nhuận lên tới hơn 1 tỷ USD vào ngày thứ Tư đen tối của nền tài chính Anh năm 1992 đấy.

4. Giao dịch chứng khoán margin hay còn gọi là giao dịch ký quỹ, là việc bạn sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán để mua chứng khoán. Lợi nhuận mà bạn thu được sẽ là số tiền bán chứng khoán trừ đi số tiền mua chứng khoán và lãi vay phải trả. 

Về bản chất, giao dịch ký quỹ là sử dụng đòn bẩy trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Điều đó có nghĩa là nếu hoạt động đầu tư của bạn có hiệu quả, mức sinh lời từ khoản đầu tư có thể tăng lên gấp bội so với việc chỉ sử dụng vốn của bạn đó.

Giao dịch ký quỹ có thể tạo ra những cơ hội tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hãy thận trọng khi thực hiện giao dịch nhé!

5. Plastic money “dịch thô” ra tiếng Việt là tiền nhựa. Đây là từ dùng để chỉ các loại thẻ ngân hàng làm bằng nhựa cứng được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày thay cho tiền giấy chứ không phải là tiền mặt nhưng được làm từ polime đâu nha!

Thẻ ngân hàng có nhiều loại như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước. 

Tin bài và ảnh: Liên chi đoàn Viện Ngân hàng – Tài chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *