Tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách và điều chỉnh chính sách thu ngân sách tại một số quốc gia trên thế giới

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính nói chung cũng như thu ngân sách của các nước.

 Mặc dù trong bối cảnh ngân sách Nhà nước thất thu nhưng đa số các nước đều thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trong đó ban hành các chính sách ưu đãi các loại thuế, phí nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, trợ cấp cho các cá nhân, người lao động trong xã hội, khuyến khích các hoạt động kinh tế đóng góp vào đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bài viết phân tích tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách và các điều chỉnh chính sách thu ngân sách trong thời gian vừa qua tại một số quốc gia trên thế giới, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam.
1. Tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách và điều chỉnh chính sách thu ngân sách tại một số nước

Ấn Độ
 Để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Ấn Độ, Chính phủ đã thực hiện chính sách giãn cách, đóng cửa trên phạm vi toàn quốc từ ngày 25/3/2020. Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh không mang tính chất thiết yếu thì yêu cầu trì hoãn, đóng cửa tạm thời. Đối với nguồn thu ngân sách trung ương ở Ấn Độ thì khoảng 73% đến từ thuế, 6,9% đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia đến từ các doanh nghiệp Nhà nước, 9,4% đến từ thoái vốn đầu tư, 10% đến từ các nguồn viện trợ hay từ các khoản khác. Theo nghiên cứu của S. Tiwari (2020), thu ngân sách trung ương Ấn Độ sẽ giảm khoảng 2,7% tổng thu ngân sách. Đối với thu ngân sách địa phương, khoảng 70% đến từ thuế (trong đó 45% đến từ thuế do 100% địa phương thu và 25% đến từ thuế phân chia thu giữa trung ương và địa phương). Trong nguồn thu thuế do địa phương được quyền thu 100% thì thu từ thuế hàng hóa và dịch vụ chiếm 19%, thuế doanh thu chiếm 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 6%. Thuế hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn thu thuế của chính quyền địa phương nhưng các bang ở Ấn Độ không được quyền thay đổi mức thuế suất đối với loại thuế này mà phải thông qua hội đồng thuế hàng hóa và dịch vụ. Do đó, thu ngân sách từ thuế hàng hóa và dịch vụ thấp hơn trong giai đoạn cách ly, tạm dừng các hoạt động kinh tế do dịch thì các bang không thể tăng thuế suất thuế hàng hóa và dịch vụ trong thời gian còn lại của năm để bù đắp nguồn thu bị hụt. Đối với thu ngân sách các bang từ thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt thì nguồn thu thuế từ các ngành như dầu khí, các đồ uống có cồn bị hụt thu lớn nhất do các hoạt động liên quan đến đi lại bị hạn chế và hoạt động kinh doanh bán đồ uống có cồn bị yêu cầu đóng cửa.
 Để bù đắp cho nguồn hụt thu của các bang do thu thuế giảm trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường phân bổ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để bù đắp nguồn hụt thu. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành luật yêu cầu ngân sách trung ương phân bổ một phần ngân sách cho ngân sách các bang trong trường hợp các bang bị hụt thu ngân sách từ thuế hàng hóa và dịch vụ, hiệu lực của chính sách này đến năm 2022. Tuy nhiên, ngân sách trung ương không đủ để bù đắp nguồn thu thiếu hụt của các bang từ thuế hàng hóa và dịch vụ. Do đó, Chính phủ Ấn Độ thành lập quỹ bù đắp thâm hụt nguồn thu từ thuế hàng hóa dịch vụ của các bang qua việc thu các loại phí về than đá, thuốc lá, tinh dầu tự nhiên, ô tô và đồ uống có cồn. Theo tính toán trong nghiên cứu của S. Tiwari (2020), trong năm tài khóa 2020 – 2021, ngân sách Trung ương Ấn Độ sẽ phân bổ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu từ thuế hàng hóa và dịch vụ ở các bang, trung bình là 4,4% tổng thu ngân sách các bang.
Trung Quốc
 Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và tình hình thu ngân sách Nhà nước. Từ tháng 2/2020, thu ngân sách của Trung Quốc sụt giảm mạnh nhất là trong tháng đầu tiên của dịch lan rộng. Cụ thể, theo Bộ Tài chính Trung Quốc (2020), thu ngân sách Chính phủ của nước này tháng 2/2020 chỉ đạt 785,4 tỷ Nhân dân tệ, thấp hơn nhiều so với mức 13.394 tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ thu ngân sách năm 2019. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020, thu ngân sách Chính phủ, mặc dù nhìn chung thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng mức thu thụt giảm ít hơn so với khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2020. Tính chung, tổng thu ngân sách Trung Quốc từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2020 là 81.569 tỷ Nhân dân tệ, thấp hơn 18,3% so với cùng kỳ 2019 là 99.908 tỷ Nhân dân tệ.  
 Mặc dù thu ngân sách Chính phủ gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, Chính phủ Trung Quốc vẫn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp như: i) Miễn VAT đối với một loạt các dịch vụ (dịch vụ y tế, ăn uống, lưu trú, giao thông công cộng, dịch vụ giao hàng, một số dịch vụ cá nhân); Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và VAT cho các công ty sản xuất vật tư y tế được sử dụng liên quan đến Covid-19; Thời gian chuyển lỗ thuế dài hơn (từ 5 đến 8 năm) đối với các công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh; ii) Vật tư nhập khẩu do các nhà tài trợ trong và ngoài nước tài trợ, sử dụng để phòng, chống dịch Covid-19 được miễn thuế nhập khẩu, VAT và thuế tiêu dùng; iii) Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các loại thu nhập từ các nguồn sau: Trợ cấp tạm thời và tiền thưởng cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch bệnh, trợ cấp các loại thuốc men, vật tư y tế, thiết bị bảo hộ và các lợi ích khác để phòng ngừa Covid-19; Khấu trừ thuế đối với các khoản đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật do các cá nhân thực hiện thông qua các tổ chức xã hội phi lợi nhuận hoặc cơ quan chính quyền cấp quận trở lên hoặc các phòng ban trực thuộc của họ, các khoản quyên góp bằng hiện vật của các cá nhân trực tiếp cho những bệnh viện nhằm phòng ngừa và điều trị Covid-19; iv) Doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tự do có thể hoãn nộp thuế TNDN trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 sang năm 2021.
Tại một số quốc gia đang phát triển ở châu Phi
 Một số quốc gia đang phát triển ở châu Phi đã thực hiện một loạt các biện pháp để hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình và các ngành bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch Covid-19, thông qua chính sách tài khóa mở rộng và sự hỗ trợ của quốc tế. Các chính sách được ban hành bao gồm: i) Giảm thuế suất VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN và thuế doanh thu (Kenya); ii) Hỗ trợ cho các khách sạn, nhà hàng và ngành vận tải qua việc hoãn nộp VAT cho các lĩnh vực này (Senegal); iii) Miễn thuế nhập khẩu thiết bị y tế (Nigeria và Zambia). Ngoài chính sách thuế ưu đãi được ban hành, thu ngân sách các nước đang phát triển ở châu Phi giảm do tình hình kinh tế khó khăn và giá hàng hóa giảm. Nigeria và Zambia là những quốc gia có thu ngân sách giảm mạnh do nguồn thu ngân sách Nhà nước của các quốc gia này phụ thuộc lớn vào thuế thu được qua việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF (4/2020), mặc dù GDP có xu hướng giảm đi nhưng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP ở một số nước châu Phi (Kenya, Zambia và Nigeria) có xu hướng thấp hơn trong giai đoạn 2020 – 2021 so với năm 2019 cho thấy tốc độ giảm thu ngân sách Nhà nước ở một số quốc gia đang phát triển khu vực châu Phi còn lớn hơn mức giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Hiện nay, các tổ chức và nhà tài trợ quốc tế cũng đã đề xuất và kiến nghị cho các nước đang phát triển ở châu Phi tăng cường hơn nữa nguồn thu thuế từ nội địa để tăng tỷ trọng thu ngân sách/GDP và dự báo đến năm 2030, tỷ trọng thu ngân sách/GDP của các quốc gia này sẽ tăng ít nhất 5%. (Hình 1)

Hoa Kỳ
 Theo Ủy ban Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (2020), thu ngân sách năm 2020 được dự báo giảm 1% so với cùng kỳ năm trước (thu ngân sách đạt khoảng 3.419 tỷ USD, thấp hơn 44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm lần lượt là 123 tỷ USD, 34 tỷ USD, 6 tỷ USD, 2 tỷ USD. Đối với ngân sách các tiểu bang ở Hoa Kỳ, thông thường sẽ ở mức khoảng 9% GDP. Đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế các tiểu bang ở Hoa Kỳ suy giảm, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách các bang khi nguồn thu đến từ thuế và phí đối với các lĩnh vực khách sạn, vận tải, năng lượng, tiêu dùng sụt giảm mạnh. Theo nghiên cứu của L. Sheiner (2020), thu ngân sách của các tiểu bang sẽ giảm 155 tỷ USD vào năm 2020, 167 tỷ USD năm 2021 và 145 tỷ USD năm 2022, tương ứng giảm khoảng 5,5%, 5,7% và 4,7%, không bao gồm giảm nguồn thu từ phí trong các bệnh viện và giáo dục. Trong đó, nguồn thu từ thuế thu nhập sẽ giảm 4,7%, 7,5% và 7,7% trong ba năm 2020, 2021 và 2022, tương ứng với mức giảm 22 tỷ USD, 37 tỷ USD và 40 tỷ USD. Sự giảm sút trong thuế thu nhập phản ánh tình trạng thất nghiệp tăng cao, thu nhập của người lao động thấp đi, và các chính sách giãn, hoãn, ưu đãi thuế thu nhập. Tại các bang New Hampshire, California, New Jersey và New York được dự báo sẽ là các bang sụt giảm nguồn thu từ thuế thu nhập lớn nhất khi lần lượt giảm 9%, 8,5%, 8% và 6,7%. Ngược lại, các bang như Illinois, Kansas, Kentucky, North Carolina và West Virginia được dự báo sẽ bị sụt giảm dưới 1,5%. 
 Mặc dù thu ngân sách cả cấp liên bang và tiểu bang của Hoa Kỳ sụt giảm do tác động từ sự suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 lan rộng, tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế. Tuy điều này càng làm cho vấn đề hụt thu ngân sách ở mức cao hơn và Chính phủ nước này chấp nhận thâm hụt tài khoá có thể ở mức cao trong năm 2020, 2021 và 2022 nhưng có thể đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quay trở lại quỹ đạo ổn định. Các hình thức ưu đãi bao gồm hoãn thời gian thu thuế và phí, tín dụng thuế, giảm thuế suất, tạm thời giảm giá thuê các tài sản của Nhà nước cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, giảm phí, lệ phí các dịch vụ sự nghiệp công (giá dịch vụ y tế, giáo dục tại các đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh giảm) và các hình thức ưu đãi này nằm trong gói hỗ trợ tài khoá 2.000 tỷ USD mà chính phủ Hoa Kỳ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân trong nền kinh tế. Ngoài ra, bởi vì nguồn thu ngân sách các bang bị sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19, ngân sách liên bang đã tăng cường phân bổ cho ngân sách các bang. Với gói cứu trợ kinh tế CARE (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) được ban hành ngày 27/3/2020 nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ đang chịu tổn thương do dịch bệnh lan rộng, trong 2,2 nghìn tỷ USD của gói cứu trợ, ngân sách liên bang Hoa Kỳ phân bổ lại 150 tỷ USD cho ngân sách các bang để bù đắp nguồn sụt thu ngân sách và chi tiêu nhằm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nhằm giúp đỡ ngân sách các bang khỏi tình trạng thiếu thanh khoản tạm thời khi nguồn thu ngân sách sẽ thu chậm các khoản thuế do chính sách giãn thời gian nộp thuế, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã thiết lập quỹ để cho vay tới 500 tỷ USD đối với các bang và địa phương thuộc bang.
Các nước châu Âu
 Tại Áo, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh đến ngân sách các bang và thành phố. Nguồn thu thuế tại các tiểu bang ở Áo được dự báo sẽ giảm từ 7% đến 12% trong năm 2020. Ngoài nguyên nhân nguồn thu ngân sách trong năm 2020 giảm do việc hoãn, giãn nộp thuế, dẫn đến việc nguồn thu thuế sẽ bị trễ vào các giai đoạn sau. Nguồn thu ngân sách của tất cả các tiểu bang tại Áo được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đồng đều, gần như mức độ tương đương nhau do cấu trúc đặc trưng của hệ thống tài khóa tại Áo. Ở các đô thị của Áo, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD (2020) dự báo cuộc khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19 có thể làm hụt thu ngân sách Nhà nước lên đến 2 tỷ EUR vào năm 2020, tương ứng với mức giảm từ 5% đến 11% thu ngân sách so với năm 2019. Nguồn thu của các bang từ thuế doanh thu, thuế tiền lương, thuế TNDN, thu phí từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giảm khoảng 10%. Tại Phần Lan, Bộ Tài chính nước này ước tính ảnh hưởng thất thu ngân sách do đại dịch Covid-19 đối với các thành phố là khoảng 1,6 – 2 tỷ EUR cho năm 2020, tức là khoảng 4% tổng thu ngân sách của các thành phố. Tại Pháp, Chính phủ nước này dự báo thu ngân sách địa phương có thể thất thu lên tới 7,5 tỷ EUR vào năm 2020 do nguồn thu từ thuế (trong đó, thất thu ngân sách lớn nhất đến từ thuế VAT) và phí dịch vụ công giảm. Tuy nhiên, số thất thu ngân sách của Pháp thực tế có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức dự báo của Chính phủ, tùy thuộc vào tình hình tài khóa bởi sự suy giảm nguồn thu ngân sách có thể được cân bằng lại, bởi tăng thu ngân sách từ thuế ở một số ngành kinh tế khác. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế ở Pháp, thu ngân sách chỉ giảm khoảng 5 tỷ EUR từ năm 2020 đến năm 2022 và riêng trong năm 2020 thì hụt thu khoảng 4,5 tỷ EUR.
 Tại Đức, nhiều bang thu ngân sách bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 và các chính sách tài khóa ưu đãi để hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo Bộ Tài chính Liên bang Đức, vào tháng 5/2020, thu ngân sách các thành phố 5 tháng đầu năm 2020 giảm 15% so với mức dự báo hồi tháng 11/2019. Trong đó, thuế TNDN là sắc thuế chiếm tỷ trọng đến 44%, thu ngân sách của các thành phố giảm 25%. Tại Italia, Hiệp hội các thành phố Italia đã đưa ra ba kịch bản về việc thất thu ngân sách của các thành phố do dịch bệnh Covid-19. Một kịch bản rủi ro thấp với mức hụt thu ngân sách của các thành phố khoảng 3,7 tỷ EUR (giảm 9% so với năm 2019) dựa trên giả định nền kinh tế nhanh chóng thoát ra khỏi suy thoái sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 5/2020. Trong đó, các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng sẽ chịu thiệt hại lớn nhất, còn đối với các lĩnh vực khác phục hồi tương đối nhanh trong năm 2020 và 2021. Một kịch bản rủi ro ở mức trung bình, với ước tính thất thu ngân sách của các thành phố khoảng 5,6 tỷ EUR (giảm 14% so với năm 2019). Cuối cùng, một kịch bản rủi ro cao, ước tính khoản hụt thu ngân sách 8 tỷ EUR (giảm gần 21% so với năm 2019) và trong kịch bản này, đại dịch Covid-19 gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Italia cũng như các quốc gia khác ở mức nghiêm trọng và kéo dài, gây khó khăn cho việc phục hồi đối với tất cả các ngành kinh tế dẫn đến chính quyền các thành phố, khu vực cũng gặp khó khăn về tài chính khi thu ngân sách giảm mạnh. 
 Tại Anh, nguồn thu ngân sách Nhà nước ở các địa phương sụt giảm dẫn đến cân đối ngân sách Nhà nước thâm hụt tăng lên đến 10 tỷ Bảng làm tăng áp lực tài khóa trong giai đoạn 2020 – 2021. Trong đó, nguồn thu từ sụt giảm thuế tài sản chiếm khoảng 60% tổng thất thu ngân sách Nhà nước ở các địa phương, còn lại khoảng 40% ngân sách bị thất thu là do giảm thu từ phí, lệ phí và các khoản thu khác.
 Tác động của dịch Covid-19 lên ngân sách các nước châu Âu biến động theo từng quốc gia, vùng miền ở khu vực này và hầu như tất cả các nước đều phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các tiểu bang, địa phương. Đối với những quốc gia mà cấu trúc ngân sách địa phương phụ thuộc vào phân bổ từ ngân sách trung ương thì tác động từ sụt giảm ngân sách do dịch bệnh Covid-19 không lớn. Tuy nhiên, các quốc gia có phân cấp ngân sách ở mức độ cao và ngân sách các bang, địa phương ít phụ thuộc vào phân bổ từ ngân sách trung ương thì gặp nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách Nhà nước. Theo nghiên cứu của OECD (2020), tất cả các nước trong khu vực châu Âu đều chịu sự sụt giảm từ thu ngân sách với hai nguyên nhân chính: i) Các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí được Chính phủ các nước ban hành để hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, các nước ở châu Âu tập trung vào ưu đãi đối với các sắc thuế như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN và VAT. Hình thức ưu đãi thuế được thực hiện như: Hoãn, giãn thời gian đóng thuế, miễn thuế, giảm thuế suất. Ngoài ra, các khoản phí liên quan đến dịch vụ công như rác thải, nước thải, nước sạch cũng được miễn giảm; ii) Nguồn thu ngân sách từ thuế các hoạt động kinh tế giảm do nền kinh tế các nước bị ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lan rộng; iii) Sự sụt giảm nguồn thu từ cho thuê, bán tài sản đất đai của Nhà nước, cổ tức, lợi nhuận từ các doanh nghiệp Nhà nước.


“Có thể tăng cường hơn nữa mức phân bổ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ dịch bệnh hoặc thành lập các quỹ để cho ngân sách địa phương vay bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời do các nguồn thu bị chậm thu bởi các chính sách hoãn, giãn, giảm thuế”
 

2. Một số đề xuất, khuyến nghị chính sách
 Về cơ bản, thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam hiện nay cùng với xu hướng giảm chung của các nước khác trên thế giới khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động kinh tế như thất thu từ thuế, nguồn thu từ bán hay cho thuê các tài sản đất đai Nhà nước giảm, cổ tức, lợi nhuận phân phối lại của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng đi xuống. Mặc dù trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng, Việt Nam và các quốc gia khác đều đang tiếp tục thực hiện các biện pháp ưu đãi thuế như giãn, hoãn, giảm thuế đối với một số sắc thuế chính như thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN và VAT. Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ đạt 86,4% dự toán thu ngân sách năm 2020. Bộ Tài chính đã có một số giải pháp trong tăng cường quản lý thuế, chống thất thu thuế, tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân trong chấp hành nghĩa vụ thuế cùng với ban hành một số chính sách mới về thuế như Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020 nhằm tăng cường quản lý thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh vận tải công nghệ hay yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế. Do đó, thu ngân sách Nhà nước trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt dự toán ngân sách mà Quốc hội đã phê duyệt. Tuy nhiên, từ một số kinh nghiệm của các quốc gia khác về chính sách tài khóa, bài viết đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị sau:
Thứ nhất, có thể xem xét ưu đãi thuế theo kinh nghiệm của Trung Quốc đối với các nguyên vật liệu nhập khẩu do các nhà tài trợ trong và ngoài nước tài trợ sử dụng để phòng, chống dịch Covid-19 và thu nhập cá nhân từ trợ cấp tạm thời và tiền thưởng cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch bệnh cũng như các hoạt động kinh tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khác. Qua đó, các ưu đãi về chính sách thuế có thể khuyến khích được người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch. Ngoài ra, có thể cân nhắc giảm phí một số loại hình dịch vụ công như y tế,… để hỗ trợ những nhóm người thu nhập thấp gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh như kinh nghiệm của các nước châu Âu.
Thứ hai, ngân sách địa phương của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian dịch bệnh tương tự như các quốc gia khác hiện nay. Theo báo cáo ngân sách 9 tháng năm 2020 của Bộ Tài chính, cả nước chỉ có 29/63 địa phương thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 75%) và nhiều địa phương trọng điểm thu có tiến độ thu thấp dưới 65% dự toán. Theo kinh nghiệm các nước như Hoa Kỳ, Ấn Độ, các nước châu Âu thì ngân sách trung ương của Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa mức phân bổ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ dịch bệnh hoặc thành lập các quỹ để cho ngân sách địa phương vay bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời do các nguồn thu bị chậm thu bởi các chính sách hoãn, giãn, giảm thuế.
Thứ ba, các chính sách ưu đãi tài khóa liên quan đến thu ngân sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh này không nên duy trì trong dài hạn theo nghiên cứu của S. Gupta and J. Liu (2020). Do đó, Việt Nam có thể xem xét lộ trình tạm dừng các ưu đãi về thuế nhằm tăng hiệu quả của hệ thống thuế cũng như mục tiêu thu ngân sách trong tương lai. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ các ưu đãi về thuế, tăng cường minh bạch ngân sách đối với các khoản thu ngân sách Nhà nước trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, mặc dù năm 2020 Việt Nam có thể hoàn thành chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước theo dự toán nhưng thu ngân sách các năm sau vẫn còn bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Do đó, cán cân ngân sách cần phải cân đối hợp lý nhằm đảm bảo chi cho các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và tăng cường kiểm soát nợ công trong bối cảnh nghĩa vụ trả lãi vay của Chính phủ tăng từ mức 3,9 tỷ USD năm 2015 lên mức 4,9 tỷ USD năm 2019, ảnh hưởng đến ưu tiên chi ngân sách Nhà nước cho các lĩnh vực khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. S. Gupta and J. Liu (2020). The COVID-19 Crisis and Fiscal Reform in Low-Income Countries. The Centre for Global Development. 2. S. Tiwari (2020). Impact of Lockdown on Government Revenue. PRS Legislative Research.3. J. Clemens và S. Veuger (2020). Fiscal federalism and the COVID-19 shock in the US. The Centre for Economic Policy Research.4. L. Sheiner (2020). How much is COVID-19 hurting state and local revenues?  The Brookings Institution.5. OECD (2020). The territorial impact of COVID-19: Managing the crisis across levels of government. 6. KPMG (2020). China: Tax developments in response to COVID-19.

ThS. Hồ Ngọc Tú 

Theo Tạp chí Ngân hàng số 24/2020

http://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-dich-covid-19-den-thu-ngan-sach-va-dieu-chinh-chinh-sach-thu-ngan-sach-tai-mot-so-quoc-.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *