Toạ đàm khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chỉ số giá bất động sản tại Nhật Bản”

Sáng ngày 25/8/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Hội Thẩm định giả Việt Nam và Viện nghiên cứu Bất động sản Nhật Bản, đồng tổ chức Toạ đàm khoa học: “Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chỉ số giá bất động sản tại Nhật Bản”.

Quang cảnh Toạ đàm

Tham dự Toạ đàm, về phía đại biểu ngoài trường có, ông Đào Trung Chính – Cục trưởng, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên & Môi trường; ông Nguyễn Đắc Nhẫn – Vụ phó Vụ đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường; ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Phú – Trưởng phòng, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam; ông Nguyễn Thế Hào – Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Markettime; ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm CLB Thẩm định giá Sài Gòn. Về phía đại biểu đến từ Nhật Bản có ông Masayuki YAMASHITA – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu BĐS Nhật Bản; ông Teruki ASAO – Phó Ban nghiên cứu Viện nghiên cứu BĐS Nhật Bản; ông YODA Kazuo – Tập đoàn MAEDA; ông NAKAMURA, Masaaki – Tập đoàn TAISEI; ông MANI, Tomoki – Đại diện Tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam; ông IIMURA, Kosuke – Đại diện Tập đoàn Fujitsu tại Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học; TS. Đào Thanh Tùng – Trưởng phòng hợp tác quốc tế; PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Bất động sản và KTTN; cùng đại diện lãnh đạo các Khoa/ Viện/Bộ môn và các phòng ban chức năng; lãnh đạo các cơ quan đơn vị, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ các cơ quan quản lý, các trường đại học, học viện, viên nghiên cứu.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu

Phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động… Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường BĐS sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển các khu vực đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Ở Việt Nam, kể từ khi bước vào quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế (năm 1986), hệ thống các thị trường dần được hình thành, phát triển và tự khẳng định tầm quan trọng trong nền kinh tế – trong đó có thị trường đất đai, thị trường BĐS. Kể từ khi hình thành từ năm 1993 đến nay, thị trường BĐS đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và cấp độ. Đồng thời, thị trường BĐS đã khẳng định được vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong quá trình phát triển thị trường BĐS, hoạt động về định giá BĐS được xác định là một loại hình dịch vụ và nghề nghiệp cần thiết đối với sự vận hảnh của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, chịu sự quản lý điều tiết của nhà nước. Thực tiễn cho thấy, hoạt động nghề nghiệp và quản lý nhà nước về định giá BĐS tại Việt Nam đã được thừa nhận, xác lập và phát triển trong vài thập niên gần đây.

Giáo sư Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về định giá BĐS trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải phát triển định giá đất thành một nghề mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan – đủ năng lực hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò, từ đó góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển thị trường BĐS và hoạt động về định giá BĐS tại Việt Nam thời gian qua còn những nhiều tồn tại và bất cập. Nổi lên là một số vấn đề như: Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động định giá đất/BĐS còn phân tán, gây ra một số khó khăn khi triển khai thực tế; Cơ sở dữ liệu và thông tin phục vụ công tác định giá BĐS chưa được theo dõi, thiết lập đồng bộ và cập nhật; Các công cụ hỗ trợ và phương pháp định giá BĐS chưa theo kịp với nhu cầu công tác quản lý nhà nước và thị trường; Hệ thống các chỉ số theo dõi và đánh giá thị trường BĐS chưa được xây dựng và công bố thường xuyên, trong đó có chỉ số giá BĐS; Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang trong tiến trình cập nhật, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường BĐS như: Luật Đất đai 2013 sửa đổi; Luật Kinh doanh 2014 sửa đổi; Luật Nhà ở 2014 sửa đổi… Vì vậy, đây là cơ hội để góp phần đưa ra các kiến giải, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại trên – GS. Hoàng Văn Cường khẳng định.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phát biểu

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam khẳng định, chỉ số giá bất động sản là chỉ số thể hiện sự biến thiên về giá của bất động sản, có thể coi đó là thước đo mức độ thay đổi của giá cả thị trường bất động sản theo thời gian tại thị trường từng địa phương hoặc trên thị trường cả nước… Đây là một chỉ tiêu thống kê kinh tế quan trọng không chỉ đối với công tác quản lý kinh tế – xã hội nói chung và quản lý thị trường bất động sản nói riêng của Nhà nước để theo dõi sự biến động của thị trường bất động sản và mối quan hệ của nó với tăng trưởng kinh tế, thị trường vốn, tài chính, tiền tệ giúp ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch và bền vững, mà còn được các nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm trong việc nắm bắt dự báo xu hướng vận động của thị trường, giá cả bất động sản… để đạt được thành công trong các quyết định đầu tư, tiêu dùng bất động sản của mình và cũng là mối quan tâm của hàng trăm các Công ty định giá đất đai, bất động sản trong việc tư vấn định giá đất đai, bất động sản cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội… Nhật Bản là quốc gia sớm nhận biết được vai trò quan trọng của chỉ số giá bất động sản nên đã nghiên cứu, xây dựng, công bố và đưa vào sử dụng bắt đầu xây dựng nó từ những khó khăn về hoạt động của thị trường, của dữ liệu đầu vào về phương pháp xây dựng chỉ số; nhưng đến nay có thể nói Nhật Bản là một trong những quốc gia có kinh nghiệm xử lý vấn đề này có hiệu quả và đưa vào sử dụng thành công. Việt Nam, trong nhiều năm qua cũng nhận thức và đánh giá được tầm quan trọng của việc xây dựng và sử dụng chỉ số giá bất động sản nên đã được một số Bộ, Ngành, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tư vấn định giá… quan tâm nghiên cứu, tính toán, những thực tế điều dễ nhận thấy là chúng ta còn phải đầu tư công sức, trí tuệ, học tập kinh nghiệm rất nhiều để hoàn thiện phương pháp luận chung nhất, khoa học nhất giúp xây dựng chỉ số giá bất động sản phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản ở nước ta hoạt động thiếu ổn định, tính lành mạnh kém, thông tin về thị trường giá cả thiếu minh bạch chưa được kiểm soát có hiệu quả.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, qua nghiên cứu, chúng tôi được biết hoạt động của thị trường bất động sản ở Việt Nam những năm qua cũng có nhiều nét tương đồng với hoạt động của thị trường bất động sản Nhật Bản trong thời kỳ đầu phát triển đất nước nói chung và xây dựng thị trường bất động sản nói riêng; nhưng Nhật Bản đã xây dựng thành công được chỉ số bất động sản nên chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm về thành công này, đồng thời mong muốn các chuyên gia Nhật Bản sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về việc xây dựng và sử dụng chỉ số giá bất động sản của Nhật Bản. Hy vọng rằng đây sẽ là những kinh nghiệm bổ ích đối với Việt Nam và các chuyên gia, các đại biểu tham dự hội thảo này.

Ông Masayuki YAMASHITA – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu BĐS Nhật Bản phát biểu

Với mong muốn tạo một diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức và cung cấp góc nhìn đa chiều về các vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn về định giá BĐS, xây dựng chỉ số giá BĐS trong quá trình phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam và Nhật Bản, giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và các bên có liên quan, Toạ đàm mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi sâu hơn của đến từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học – đặc biệt là các đại biểu đến từ phía Nhật Bản. Hy vọng rằng, các kiến thức và kinh nghiệm do các chuyên gia Nhật Bản trình bày sẽ cung cấp những góc nhìn, bài học quý, thực tiễn tốt để giúp Việt Nam hoàn thiện hoạt động định giá BĐS, xây dựng chỉ số giá BĐS, góp thúc đẩy sự phát triển thị trường BĐS Việt Nam lành mạnh, bền vững, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *