Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm việc và trao đổi học thuật với các tổ chức tại Đài Loan về Kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Từ ngày 24 đến ngày 27/5/2023, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với một số tổ chức tại Đài Loan.

Mục đích của chuyến đi trao đổi học thuật là thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Đài Loan về kinh tế các-bon thấp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu Đài Loan giai đoạn 2021-2024 “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về Kinh tế các-bon thấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với sự hợp tác của các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đài Loan”.

Sáng 25/5, đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân đã có chuyến thăm và làm việc tại Bộ Giáo dục Đài Loan. Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Giáo dục Đài Loan có bà Chin-Shu Chang – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc tế (DICE); bà Canny Yi-Ken Liao – Trưởng phòng của DICE; bà Sabine Chin-Ying Weng, cán bộ cấp cao của DICE; ông Shan-Li Lien – Trưởng phòng, Vụ Giáo dục Công nghệ và Thông tin; bà Chin-Ying Wong – Thư ký giáo dục thứ nhất; bà Tina Ou – Thư ký giáo dục thứ hai.

 

 

Đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân làm việc với Bộ Giáo dục Đài Loan

Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ và thảo luận về những kết quả đạt được của Dự án Nghiên cứu Đài Loan cho Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong giai đoạn 2017-2024, bối cảnh mới của chính sách biến đổi khí hậu tại Việt Nam và định hướng giáo dục nhằm đáp ứng những thay đổi về chính sách biến đổi khí hậu tại Việt Nam, định hướng và ưu tiên của Bộ Giáo dục Đài Loan nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục của Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong giai đoạn tới và các cơ hội hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đài Loan và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong giai đoạn tới.

 

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Giáo dục Đài Loan và hỗ trợ hành chính từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho Trường trong những năm qua nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các tổ chức tại Đài Loan về biến đổi khí hậu và kinh tế các-bon thấp. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác với Bộ Giáo dục Đài Loan về phát triển giáo dục đại học trong giai đoạn tới.

Chiều ngày 25/5, đoàn công tác đã có buổi thăm và làm việc tại Cục Năng lượng, Bộ Kinh tế Đài Loan. Tham dự buổi làm việc về phía Cục Năng lượng có Bà Shu-Mei Peng, Giám đốc điều hành cấp cao của Phòng Kế hoạch, Bà Yu-San Lin, Trưởng phòng Kế hoạch và Ông Jen-Yi Hou, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đài Loan.

Đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân làm việc với Cục Năng lượng, Bộ Kinh tế Đài Loan

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận về các chính sách và thực tiễn về chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Đài Loan và Việt Nam. Đài Loan là nền kinh tế lớn thứ sáu ở châu Á và thứ 22 trên thế giới tính theo GDP. Quá trình chuyển đổi năng lượng cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ở Đài Loan đặt ưu tiên vào năng lượng gió, điện mặt trời, tích hợp hệ thống và lưu trữ năng lượng, năng lượng mới (hydro, địa nhiệt sâu, đại dương). Đài Loan đã đặt mục tiêu “20-30-50” đầy tham vọng để có 20% sản lượng điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo, 30% từ than đá và 50% từ khí đốt vào năm 2025. Đến năm 2050, 60–70% sản lượng điện sẽ đến từ năng lượng tái tạo với sự cân bằng đến từ khí và hydro. Sự gia tăng điện tái tạo sẽ chủ yếu đến từ năng lượng mặt trời và gió. Sự gia tăng về năng lượng tái tạo được xác định trong Kế hoạch phát thải ròng bằng không đã tạo ra một thị trường năng lượng tái tạo đang bùng nổ ở Đài Loan. Bà Shu-Mei Peng cho rằng những nỗ lực hợp tác thông qua trao đổi học thuật là rất quan trọng để thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ở cả Việt Nam và Đài Loan

Sáng 26/5, đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đài Loan. Tham gia buổi làm việc với đoàn công tác về phía Viện Nghiên cứu Đài Loan có GS.TS Han-Pang Su, Phó Chủ tịch, GS.TS Chien-Wei Chen, Phó Chủ tịch, Ông Shih-Ming Chuang, Cố vấn và Bà Wan-Ting Yen, Nghiên cứu viên. Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận về các chính sách và thực tiễn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Đài Loan và Việt Nam. Hai bên cũng chia sẻ các chủ đề nghiên cứu, ấn phẩm và cơ hội hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.

Đài Loan đã ban hành nhiều luật, chính sách và sáng kiến để thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là Kế hoạch Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Luật Ứng phó với biến đổi khí hậu. Đài Loan đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã công bố kế hoạch phát thải ròng bằng 0. Bốn trụ cột chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Đài Loan (chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi công nghiệp, lối sống bền vững và quy trình công bằng cho tất cả mọi người) được tích hợp với hai nền tảng quản trị (công nghệ phát thải ròng bằng 0/không phát thải và luật khí hậu). Các trọng tâm đặc biệt được đặt vào 12 chiến lược chính: điện gió/mặt trời, hydro, năng lượng mới, hệ thống điện và lưu trữ năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công nghê thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, xe điện và xe không phát thải carbon, tái chế tài nguyên và không lãng phí, bể chứa carbon, lối sống xanh, tài chính xanh, và chuyển đổi công bằng.

Đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân làm việc với Viện Nghiên cứu Đài Loan

Chào mừng đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đài Loan, GS. TS. Han-Pang Su, Phó Chủ tịch mong muốn mở rộng mối quan hệ hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong thời gian tới do hai bên có cùng mối quan tâm trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế và kinh tế tuần hoàn.

Chuyến đi trao đổi học thuật của đoàn công tác Đại học Kinh tế Quốc dân tại Đài Loan đã thành công tốt đẹp. Các bên đã chia sẻ và học hỏi lẫn nhau các bài học kinh nghiệm và thực tiễn về chính sách, chiến lược hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam và Đài Loan cũng như mở ra các cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *