Xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và giải pháp thu hút đầu tư cho Việt Nam

Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi các nước muốn chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.


 Trên thực tế, xu hướng này đã được định hình trong nhiều năm trở lại đây và dịch Covid-19 chính là chất xúc tác khiến cho sự dịch chuyển diễn ra nhanh chóng hơn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra được những khuyến nghị giải pháp góp phần đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. 1. Nguyên nhân của xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
 Trung Quốc ngày nay dường như không còn là lựa chọn đầu tư sản xuất hàng đầu như giai đoạn trước năm 2012 và điều này đang tạo cơ hội cho sự phát triển sản xuất ở các nước Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là Việt Nam và Indonesia. Trong bối cảnh đó, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu không có dịch Covid-19 xu hướng dịch chuyển sản xuất này vẫn sẽ diễn ra. Sự thay đổi này có thể được lý giải bởi những yếu tố sau:
Chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc. Tiền lương sản xuất ở Trung Quốc đã tăng từ 2,0 USD/giờ trong năm 2010 lên 3,9 USD/giờ trong năm 2016. Mức lương này là khá cao khi so sánh với tiền lương sản xuất trung bình ở Việt Nam, chỉ gần 1 – 1,4 USD/giờ. Chi phí sử dụng bất động sản công nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng mạnh sau quá trình phát triển liên tục của nền kinh tế và mức sống dân cư. Các thành phố lớn như Thượng Hải ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, cao hơn so với các thành phố Đông Nam Á khác, trong khi Việt Nam đang có mức giá đất tương đối cạnh tranh, chỉ ở mức 100 – 140 USD/m2. Như một hệ quả tất yếu, các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn sẽ xem Việt Nam là một lựa chọn thay thế trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
Trung Quốc thay đổi định hướng phát triển công nghiệp. Sau một thời gian dài có tốc độ tăng trưởng cao trên 8%, Trung Quốc đang dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị và tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng gia tăng tiêu thụ nội địa, tập trung phát triển dịch vụ và xuất khẩu mặt hàng có giá trị cao hơn. Điều này đã định hướng lại dòng vốn đầu tư nước ngoài đối với các ngành dựa trên cơ sở lao động, đất đai và các yếu tố khác.
Vị trí chiến lược thuận lợi của Việt Nam. Việt Nam sở hữu một vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3260 km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường logistics và cơ sở hạ tầng. Sự tăng tưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ thúc đẩy thị trường logistics của Việt Nam phát triển. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 5,8% GDP của Việt Nam được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi đầu tư cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp, logistics.
Sản xuất công nghiệp tại Việt Nam được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới vì có nhiều FTA nhất. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực. Các FTA sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hưởng các ưu đãi giảm thuế hấp dẫn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và châu Âu. Vì vậy, các hiệp định đã ký kết trong thời gian qua như CPTPP, EVFTA và EVIPA sẽ đem lại lợi thế cho việc thu hút đầu tư và dịch chuyển sản xuất không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có. 
 Như vậy, Việt Nam có những lợi thế khá lớn trong xu hướng các cơ sở sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc và cần tìm một địa chỉ mới để hoạt động. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển sẽ không ngay lập tức, mà thường có lộ trình khoảng 2 – 5 năm, do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch. Sự dịch chuyển này mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng chứ không phải là di dời toàn bộ khỏi Trung Quốc vì quốc gia này có thị trường lớn và hạ tầng sản xuất phát triển mà các nước khác khó có thể có được. Cuối cùng, địa chỉ tiếp nhận dịch chuyển sẽ phục thuộc rất lớn vào các yếu tố: (i) Kỳ vọng của các công ty đa quốc gia; (ii) khả năng đáp ứng của các quốc gia cần thu hút đầu tư, (iii) thái độ và các phản ứng của Trung Quốc. 2. Tình hình dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam thời gian qua
 Thu hút vốn FDI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần 9 tháng đầu năm 2020 đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù, lưu lượng vốn FDI giảm khá rõ so với cùng kỳ 3 năm trước đó (2017 – 2019), song biến động này không đáng lo ngại bởi lẽ phần giảm chủ yếu đến từ sự sụt giảm vốn mua cổ phần do các biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán, trong khi vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. (Hình 1, 2)

 Nhu cầu đất công nghiệp tăng cao phản ánh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành cho các khu công nghiệp, đến năm 2019, Việt Nam đã có khoảng gần 100.000 ha đất công nghiệp. Thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 12/2019, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đạt 97.800 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 66.100 ha. Trong số các khu công nghiệp được thành lập, 260 khu công nghiệp đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên đến 75,7%, 75 khu công nghiệp đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
 Mặc dù đại dịch Covid-19 tạo tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp quý III/2020 vẫn đạt 78% – một tín hiệu tích cực về niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Mức giá thuê đất khu công nghiệp cũng tăng trung bình khoảng 9% trong năm 2020 trên phạm vi cả nước. Theo đó, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực miền Bắc tính đến hết quý III/2020 đạt 74%, giá đất trung bình đạt 102 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực miền Nam, giá thuê tại các dự án kho mới của các chủ đầu tư nước ngoài trong quý III/2020 tăng 5 – 10% so với cùng kỳ 2019.
 Số lượng công ty đa quốc gia đã dịch chuyển/lên kế hoạch dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng gia tăng. Xuất phát những căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong năm 2018, nhiều công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch và trên thực tế đã dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Xu hướng này tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2020 do những quan ngại đối với sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau dịch Covid-19. (Bảng 1)

 Lĩnh vực sản xuất dịch chuyển có sự thay đổi so với trước đây. Trước đại dịch Covid-19, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: công nghiệp chế biến – chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn – bán lẻ – sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (chiếm 81% tổng vốn đăng ký năm 2019). Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang dịch chuyển đầu tư, chủ yếu trong các lĩnh vực: (i) Công nghệ thông tin, công nghệ cao (như Samsung, Apple…); (ii) thiết bị điện tử và phụ kiện (Panasonic…); (iii) logistics, thương mại điện tử (Alibaba…); (iv) hàng tiêu dùng, bán lẻ (Zara, H&M). 3. Thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam trong thu hút dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc
3.1. Thuận lợi
 Việt Nam là một trong các quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tốt trên thế giới, điều này làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình đối phó với dịch bệnh, Việt Nam được đánh giá cao về chỉ số công khai, minh bạch thông tin, tạo cho doanh nghiệp niềm tin vào thông tin thị trường. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ với 3260 km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
 Chi phí cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang khá cạnh tranh so với Trung Quốc hay các quốc gia khác trong khu vực. Bảng 2 so sánh chi tiết chi phí sản xuất tại Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. 

 Các điều kiện kinh doanh, hạ tầng logistics, công nghệ đang được quan tâm cải thiện liên tục bởi Chính phủ. Theo ước tính của ADB, 5,8% GDP của Việt Nam được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi đầu tư cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công giúp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thu hút vốn các nhà máy dịch chuyển sang Việt Nam. (Bảng 3)

 Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh về văn hóa, giáo dục so với các quốc gia khác. Việt Nam có sự tương đồng văn hóa với các quốc gia Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Tỷ lệ người lao động nói được tiếng Hàn Quốc và Nhật Bản ở Việt Nam là cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
3.2. Thách thức
 Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ những quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia trong thu hút dịch chuyển đầu tư. Trong thời gian qua, Chính phủ các quốc gia này đang dùng 4 công cụ sau để thu hút đầu tư: 
 – Miễn giảm thuế (Indonesia có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về mức 23% năm 2021; Ấn Độ miễn thuế từ 4 – 10 năm cho các dự án đầu tư trong 1 số lĩnh vực ưu tiên, Philippines giảm thuế từ 30% về 25%); 
 – Ưu đãi về đất đai (Indonesia xây 27 khu công nghiệp mới, Ấn Độ); 
 – Cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh (Indonesia, Malaysia); 
 – Cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề (Thái Lan). (Hình 3, 4)

 Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là về thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí giao dịch. Hạ tầng khu công nghiệp, logistics; và các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa trong so sánh với Trung Quốc.
 Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp mũi nhọn, Trung Quốc sẽ cố gắng đưa ra các chính sách để giữ chân các nhà máy này. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tạo điều kiện để các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và nhân công, giá trị gia tăng thấp dịch chuyển sang các quốc gia khác nhanh chóng. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho quốc gia nhận đầu tư.
 Đối với các nhà đầu tư châu Á như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ làm ăn. Tuy nhiên, đích hướng tới của Việt Nam là khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech. Muốn vậy, chúng ta cần phải tiếp cận được nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ. Đây là vấn đề hiện nay chúng ta chưa có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.
4. Giải pháp thu hút dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
 Việt Nam được đánh giá là một địa chỉ tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp cụ thể và phù hợp với tình hình thế giới. Một số gợi ý giải pháp cho Việt Nam như sau:
 Thành lập tổ công tác đặc biệt và tổ công tác nhận được sự ủy quyền của Thủ tướng để đi đàm phán với các tập đoàn, các doanh nghiệp có ý định dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên (gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương). Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, là việc ra các quyết định chính sách nhanh chóng và làm sao có được “chính sách ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng”.
 Đón làn sóng dịch chuyển đơn hàng trước, dịch chuyển nhà máy sau. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó thực hiện ngay lập tức. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam trước.
 Xây dựng hệ thống công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất.
 Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp: Các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp, thu lại; công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng. Công bố công khai thông tin về giá, ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý khu công nghiệp để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp với định hướng mới đã được Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài.
 Đẩy mạnh việc chuẩn bị nhân lực chất lượng cao. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao thời gian qua đã được cải thiện đáng kể (nhiều tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản đã công nhận điều này). Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy và hướng tới đối tượng doanh nghiệp phương Tây.
 Tạo điều kiện thông thoáng hơn khi các nhà máy mang công nghệ sẵn có đang sử dụng tại Trung Quốc sang Việt Nam. Trường hợp này chúng ta đang áp dụng Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo đó, dây chuyền máy móc phải qua kiểm định mất khá nhiều thời gian. Muốn thu hút nhiều doanh nghiệp chúng ta cần có cơ chế linh hoạt hơn để doanh nghiệp có thể sản xuất nhanh chóng khi sang Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại học Kinh tế Quốc dân, 2020, Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.
2. General Statistical Office. Vietnam Statistical Yearbook (various years). General Statistical Office, Hanoi.
3. Goodell, J.W., 2020, ‘COVID-19 and finance: Agendas for future research’, Finance Research Letters.
4. Học viện Ngân hàng, 2020, Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam.
5. IMF, 2020, A Crisis Like No Other, An Uncertain Recovery, World economic outlook reports.
6. Noy, I., Nguyen Doan, B. Ferrarini, and D. Park. 2020. “The economic risk of Covid-19 in developing countries: Where is it highest?” In Covid-19 in Developing Economies, edited by S. Djankov and U. Panizza. London: CEPR Press, June. 
7. World Bank. 2020a. Global Economic Prospects (June 2020). Washington, DC: World Bank.
8. World Bank. 2020b. Covid-19 Policy Response Notes for Vietnam (June). World Bank, Hanoi.

PGS.,TS. Đào Minh Phúc

Tạp chí Ngân hàng số 21/2020(http://tapchinganhang.gov.vn/xu-huong-dich-chuyen-dau-tu-ra-khoi-trung-quoc-va-giai-phap-thu-hut-dau-tu-cho-viet-nam.htm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *