Nghiên cứu về “Mối quan hệ giữa thị trường hợp đồng tương lai và thị trường cơ sở trên thị trường chứng khoán Việt Nam”

Ngày 05/5/2021, tại phòng 913 nhà A1 – Phòng bộ môn Thị trường chứng khoán – Viện Ngân hàng – Tài chính, Tiến sĩ Lê Hoàng Anh – Thư ký của Nhóm nghiên cứu đã trình bày đề tài trước hội đồng với chủ đề: “Nghiên cứu về mối quan hệ giữa thị trường hợp đồng tương lai và thị trường cơ sở trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Buổi bảo vệ có sự tham gia của các thành viên hội đồng trong trường, ngoài trường, đại diện phòng quản lý khoa học và các thành viên của bộ môn Thị trường chứng khoán.

Với sự phát triển bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cộng với việc ra đời của các sản phẩm phái sinh từ tháng 8/2018 là chỉ số VN30. Thị trường hợp đồng tương lai ra đời cung cấp một kênh đầu tư và phòng vệ và được các nhà đầu tư rất đón nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự xuất hiện của thị trường hợp đồng tương lai ảnh hưởng như thế nào tới Thị trường cơ sở, mối quan hệ giữa hai thị trường này như thế nào là vấn đề được nhiều học giả cũng như người làm thực tế tranh luận. Từ đó việc tìm bằng chứng về mối quan hệ giữa thị trường hợp đồng tương lai và Thị trường cơ sở đã được nhóm tác giả đưa ra trong nghiên cứu này.

Phần lớn các nghiên cứu tại Việt Nam tập trung theo hướng phân tích thực trạng TTCKPS và đề xuất các giải pháp để phát triển thị trường như nghiên cứu của Phạm Thái Bình (2014), Thái Đắc Liệt (2014), Nguyễn Thị Hương Giang (2011), Trần Quang Việt (2014) và Vũ Thanh Tùng (2019).

Một số nhà nghiên cứu khác tại Việt Nam tập trung phân tích cách thức phát triển và hoạt động của thị trường, những thuận lợi cũng như thách thức trong thời gian tới như nghiên cứu của Đào Thị Hồng và Nguyễn Thị Thùy Dung (2019); Nguyễn Thu Thủy (2017)

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa cung cấp được những bằng chứng thực nghiệm về tác động của thị trường này cũng như mối quan hệ của thị trường này tới Thị trường cơ sở tại Việt Nam.

Phần lớn các nghiên cứu mới được thực hiện trên các thị trường phát triển, các nghiên cứu tại các thị trường đang phát triển hoặc cận biên còn hạn chế, kết quả không đồng nhất. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu hầu như chưa thực hiện hoặc rất ít tiếp cận chủ đề nghiên cứu về chứng khoán phái sinh bằng phương pháp định lượng. Chưa tồn tại nghiên cứu thực nghiệm và lượng hóa mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường cơ sở tại Việt Nam. Đây là một chủ đề có giá trị cao trong nghiên cứu lý luận cũng như hàm ý trong thực tiễn.

Nghiên cứu đã sử dụng mô hình VECM kiểm định xem có tồn tại hay không mối quan hệ trong dài hạn giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường cơ sở và Kiểm định nhân quả Granger để xem xét xem biến động trên thị trường nào tác động lên thị trường còn lại.

Trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng các mô hình kiểm định. Nhóm nghiên cứu đã có môt số kết luận như sau:

Thứ nhất: Kết quả nghiên cứu khẳng định tồn tại mối quan hệ đồng liên kết giữa Thị trường hợp đồng tương lai (đại diện bằng chỉ số VN30F1M) và thị trường cơ sở (đại diện bằng chỉ số VN30). Tuy nhiên, đề tài không tìm thấy bằng chứng cho thấy mối quan hệ trong dài hạn của chỉ số VNIndex và HĐTL VN30F1M

Thứ hai: nhóm nghiên cứu cho thấy có sự điều chỉnh về mối quan hệ dài hạn của chỉ số VN30, tuy nhiên, không tìm thấy bằng chứng về việc điều chỉnh này của VN30F1M. Chỉ số của TSCS, VN30, thể hiện vai trò phát hiện giá tốt hơn và có sự điều chỉnh về mối quan hệ trong dài hạn.

Thứ ba, về mối quan hệ nhân quả, nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy chỉ số VN30 là nguyên nhân (Granger cause) gây nên sự biến động của VN30F1M nhưng không tìm thấy bằng chứng về chiều tác động ngược lại.

Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ:

Bài và ảnh: Bộ môn Thị trường chứng khoán

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *