Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và IMF công bố Báo cáo về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất”

Sáng ngày 10/01/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo của IMF về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất”.

Quang cảnh tại Lễ công bố 

Tham dự Lễ công bố, về phía IMF có bà Antoinette M. Sayeh – Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế; bà Era Dabla-Norris – Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF. Về phía Ngân hàng Thế giới có bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam. Về phía đại biểu ngoài trường có ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; cùng các đại biểu đến từ các cơ quan quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, các cơ quan trung ương, các Viện nghiên cứu, trường đại học… tham dự sự kiện.

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng phát biểu 

Phát biểu tại Lễ công bố, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Trong nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và thông tin được coi là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo ra của cải cho xã hội. Trường đại học có sứ mệnh là nơi cung cấp tri thức khoa học và công nghệ, nơi sáng tạo và phát triển, truyền bá tri thức. Đổi mới sáng tạo là quá trình biến tri thức khoa học và công nghệ thành tiền. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy hầu hết các đổi mới công nghệ quan trọng đều bắt nguồn từ các trường đại học, chuyển giao thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển”.

GS. Phạm Hồng Chương cho rằng, trong giai đoạn hậu Covid-19, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu, và đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế.

Để hóa giải lực cản đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế đang phát triển và của Việt Nam, Giáo sư Hiệu trưởng cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của các trường đại học. Theo đó, các trường không chỉ đóng vai trò truyền thống là hoạt động giáo dục, đào tạo, mà ngày nay còn có thêm nhiệm vụ và sứ mệnh mới, đó là phải tự đổi mới để kết nối với các doanh nghiệp và góp phần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thông qua việc thiết kế các chương trình mới, khóa học mới để cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho doanh nghiệp. Đồng thời, trở thành vườn ươm nhân tài, hỗ trợ các nhân tài có cơ hội học hỏi, nghiên cứu, làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu phát triển, các start up…

Bà Antoinette Sayeh – Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát biểu

Theo bà Antoinette Sayeh, châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới, nhưng đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn.

Tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau. Do đó, phải có chính sách thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp đi đầu và doanh nghiệp đi sau. “Thúc đẩy đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhưng không nên tạo ra khoảng cách về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh nhận định.

Các chuyên gia trao đổi và chia sẻ tại chương trình

Báo cáo của IMF cũng chỉ rõ: Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn khi Covid-19 trở thành một đại dịch.

Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu.

Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng dù đã có rất nhiều sáng chế cũng như đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để thể hiện những nỗ lực trong sáng tạo đổi mới, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh.

Một yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên chính là sự tách rời giữa tăng trưởng năng suất, quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa.

Quá trình đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là sự bùng nổ về quyền sở hữu trí tuệ có thể làm “đóng băng” công nghệ trong một số doanh nghiệp và khiến sự tách rời trên trở nên nghiêm trọng hơn.

Đề xuất cơ chế và chính sách cần thiết cho quá trình tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo, Báo cáo thực hiện khảo sát về bối cảnh đổi mới sáng tạo trong khu vực; sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp đối với các quốc gia đang phát triển, các quốc gia phát triển ở châu Á để tìm ra vai trò của đổi mới sáng tạo và số hóa đối với tăng trưởng năng suất.

Đồng thời, chỉ ra những yếu tố cản trở quá trình đổi mới sáng tạo đối với những quốc gia và doanh nghiệp đang tiến tới giới hạn về công nghệ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thảo luận những công cụ chính sách có thể áp dụng để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới sáng tạo và năng suất, các giải pháp đẩy mạnh năng suất chung.

Bà Era Dabla-Norris – Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF phát biểu

Bà Era Dabla Norris – Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF đánh giá: “Tốc độ phát triển công nghệ chậm chạp giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách. Các hạn chế như khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ”. Chậm chạp trong chuyển đổi số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình. IMF dẫn chứng, Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ thâm nhập Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 1/4 tổng dân số sử dụng Internet. Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập Internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch Công ty FPT Telecom cho rằng, trong bối cảnh công nghệ hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, cần phải có lực lượng lao động thành thạo công nghệ, để làm được điều đó thì cần phải đào tạo.

Nêu một số khuyến nghị, bà Antoinette Sayeh cho rằng Việt Nam cần ưu tiên các cải cách gồm: Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Một số hình ảnh trong khuôn khổ chương trình:

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng tiếp đón và trao đổi cùng bà Antoinette M. Sayeh – Phó Tổng Giám đốc Điều hành IMF cùng các chuyên gia tham dự sự kiện

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *