Âm vang những người lính sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân

(Vnews) – Những năm 70 của thế kỷ XX đã ghi dấu ấn đẹp về một thế hệ học sinh – sinh viên Việt Nam với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận.” Đây cũng chính là những câu chuyện lịch sử vẻ vang của một thời tuổi trẻ hào hùng với ý chí và niềm tin vào ngày chiến thắng.

Với khí thế của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, tinh thần “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, hơn một vạn sinh viên các trường đại học ở Thủ đô đã rời ghế nhà trường, xếp bút nghiên lên đường tòng quân; trong đó có hơn 600 cán bộ, giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) đã tạm biệt mái trường để xung phong vào chiến trường trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh.

Lớp sinh viên Thủ đô ngày đó đã tham gia lực lượng bộ đội chủ lực trên tất cả các chiến trường từ Bình Trị Thiên, Huế, Tây Nguyên đến đồng bằng Nam Bộ, khu 5. Ngày lên đường, tất cả chung lời hẹn ước, đợi ngày đất nước thống nhất sẽ quay lại ghế giảng đường, trau dồi kiến thức, xây dựng đất nước.

Quang cảnh ngày Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhập ngũ ngày 6-9-1971 lên đường Bảo vệ Tổ quốc (Nguồn: Sưu tầm)

Ký ức ngày lên đường của sinh viên Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Nhà giáo Nguyễn Chí Tuệ, nguyên trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ những kỉ niệm ngày nhập ngũ: Lúc đó 100% sinh viên viết đơn nhập ngũ lên đường chống Mỹ cứu nước, 3 đợt có hơn 600 sinh viên nhập ngũ. Khi tôi nhập ngũ 9/1971 thì được biên chế vào trung đoàn 95, sư đoàn 325. Sau đó năm 1972 thì tham gia vào chiến dịch đánh Thành cổ Quảng Trị, tinh thần lúc đó hừng hực khí thế, anh em nhập ngũ dù phải dừng lại việc học nhưng vì sứ mệnh của thanh niên khi đất nước đang có chiến tranh và đặc biệt là niềm tin lớn lao vào chiến thắng đế quốc nên ai cũng đặt cho mình mục tiêu, ngày trở về sẽ tiếp tục học tập hoặc tham gia quân đội.

Nhà giáo Nguyễn Chí Tuệ, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Gác lại bút nghiên, lên đường chiến đấu, mỗi thanh niên khi đó đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc, đó là tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nhà giáo Nguyễn Chí Tuệ còn chia sẻ thêm: Trong miền Nam lúc đó hưởng ứng phong trào chống quân xâm lược Mỹ vô cùng khí thế và hào hùng. Lúc đó, một câu khẩu hiệu mà các thầy đã ngấm nhất khi được nghe là “Lý tưởng đẹp nhất của tuổi trẻ thanh niên lúc đó là trên trận chiến chống quân thù”, khi ấy đi đâu cũng nghe thấy câu khẩu hiệu hay lời kêu gọi đó. Và có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, câu nói đó các thầy cũng từng được nghe trên tuyên truyền báo chí cũng như là qua các thế hệ trẻ.

Đại tá, TS. Lê Thanh Sơn – Trưởng ban liên lạc Hội Cựu sinh viên chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị, Nguyên Cục phó cục nhà trường – Bộ Tổng tham mưu, đã hồi tưởng lại trong cuộc gặp mặt truyền thống: Vào những năm 70, ngày mà các thế hệ cán bộ, sinh viên của 13 trường Đại học của miền Bắc đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, để lại cho lịch sử Hà Nội hình ảnh đẹp của những người lính tuổi 20 ra trận vô cùng yêu đời và đầy nhiệt huyết. Là hình ảnh những chàng trai trên chuyến tàu đi vào chiến trường mà gia đình chưa hề biết tin và từ trên chuyến tàu ấy có vô vàn lá thư viết vội được ném xuống đường kèm theo mảnh giấy nhờ chuyển hộ “Tôi vào chiến trường, nhờ ông, bà, anh chị chuyển giúp lá thư này. Xin cảm ơn!”.  

Gặp mặt truyền thống của cựu chiến binh – sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước tháng 9/1972 (Nguồn: Sưu tầm)

Những sinh viên rời mái trường vào Nam, trong chiếc balô, ngoài quân tư trang, nhiều người không quên đem theo một vài cuốn sách, giáo trình, sổ tay làm nhật ký… như một thói quen, một kỷ vật gắn bó với đời sinh viên.

Dọc đường hành quân, những là thư của nhiều người vẫn đều đặn gửi về cho thầy cô, bạn bè ở trường đại học. Sau giờ chiến đấu, họ còn tranh thủ viết nhật ký chiến trường.

Nguồn cảm hứng sống cho thế hệ sinh viên ngày nay

Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên làm quen với súng đạn, với những đêm hành quân, báo động bất kể thời gian. Họ có mặt trên khắp các trận tuyến khốc liệt nhất, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi tiến vào Sài Gòn ngày toàn thắng 30/4/1975… đâu đâu cũng in dấu chân người lính sinh viên Hà Thành.

Nhà giáo Nguyễn Chí Tuệ chia sẻ: Sau khi nhập ngũ, đầu tiên là trận đánh vào thành cổ Quảng Trị 1972, 81 ngày đêm. Năm 1975, đơn vị của tôi lại tham gia đánh Buôn Mê Thuột, sau đó tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Ấn tượng nhất là trận đánh thành cổ Quảng Trị, trận đấu diễn ra rất ác liệt, phía địch có nhiều lợi thế. Quân đội của ta muốn vào thành cổ phải vượt qua sông Thạch Hãn vậy nên vất vả hơn. Về tiềm lực, bộ đội của ta chỉ có bộ binh và pháo binh, còn của địch có máy bay, pháo binh, xe tăng, rất mạnh. Vậy nên trận chiến chủ yếu về tinh thần. Quân đội ta mất mát rất nhiều sinh viên, các thầy hiện tại còn ở đây là cái rất may mắn, nhiều đồng đội đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc.

Trong số họ đã có nhiều người trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, và cũng có nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường.

Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên còn sống lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, hay di chứng của những trận sốt rét rừng, từ chiến tranh. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường GS. Đỗ Đức Bình, PGS.TS Trần Quý Liên, Nhà giáo Nguyễn Chí Tuệ… Thế hệ ấy đã trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Duy Thính – Báo Hải Phòng

Theo TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông Đại học Kinh tế Quốc dân: Cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tưởng nhớ ngày thương binh, liệt sỹ để giáo dục cho các thế hệ trẻ; trong đó có sinh viên Kinh tế Quốc dân lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng, các thế hệ người Việt Nam đã hi sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động tri ân những người có công với cách mạng của đoàn viên trẻ của Đại học Kinh tế Quốc dân (Nguồn: Phòng Truyền thông – Neu)

Trong cuộc sống đời thường, chất thép và nghị lực sống của mỗi người lính năm xưa vẫn là nguồn cảm hứng sống cho bao thế hệ trẻ, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Link bài viết trên Vnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *